Vi phạm liên tiếp
Theo thống kê của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, thời gian vừa qua trên địa bàn Thủ đô liên tiếp phát hiện các vụ việc vi phạm
an toàn thực phẩm. Cụ thể ngày 1/12, Đội Quản lý Thị trường số 17 phối hợp với Phòng 7 – Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra cơ sở của ông Jia Xing Long, thôn 3, Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội phát hiện 3.700 kg
phụ gia thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, do nước ngoài sản xuất.
Ngày 9/12, Đội Quản lý Thị trường số 4 chủ trì tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh giấm ăn An Khánh địa chỉ Bồ Đề, Long Biên; kết quả tạm giữ hơn 2.000 chai giấm ăn thành phẩm và gần 700 chai giấm ăn chưa thành phẩm do vi phạm chất lượng. Cùng ngày cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh giấm ăn Thành Thảo, Bồ Đề, Long Biên và tạm giữ 13.800 chai giấm ăn (thành phẩm), 140 chai giấm ăn bán thành phẩm do nghi ngờ vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm.
Chưa đầy tháng nữa là đến Tết nên các mặt hàng phục vụ ngày Tết đã tràn ngập thị trường. Các cơ sở sản xuất
bánh,
mứt,
kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, La Phù, Dương Liễu… cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết. Hàng hóa nhiều, mẫu mã chủng loại đa dạng, phong phú song chất lượng có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không lại là điều đáng bàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số chợ, nhiều loại
bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong tình trạng “ba không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng Những sản phẩm này được bán theo cân, theo lạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng; các sản phẩm giò, chả… cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.
Tăng cường công tác kiểm soát
Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng, nhất là các loại
thịt và rau, vì vậy dễ phát sinh, gia tăng các hoạt động không an toàn về thực phẩm. Do vậy, theo ông Nguyễn Khắc Hiền Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động thanh tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi,
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối,
siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất,
kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh
dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Nội dung thanh tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện
sản xuất thực phẩm và
quảng cáo thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Còn trên phạm vi cả nước, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thừa nhận hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn một số bất cập, do vậy để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Phong cho biết, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại các tỉnh, thành phố… trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất…
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, hiện nay lực lượng thanh tra đặc biệt là thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế trong khi đó số cơ sở sản xuất thực phẩm của nước ta lại quá lớn, do vậy trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất an toàn thực phẩm, bên cạnh lương tâm, đạo đức của doanh nghiệp, người sản xuất, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, an toàn hơn.
- Năm 2016, thành phố đã kiểm tra trên 90.000 lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng.
- Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi tình trạng mất an toàn thực phẩm song tình trạng vi phạm
an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đáng lo ngại, chưa được quản lý, kiểm soát có tính hệ thống, toàn diện, chặt chẽ; Còn nhiều vi phạm tại các cơ sở sản xuất chế biến, các chợ dân sinh, điểm kinh doanh tự phát.