Trước thực trạng nhiều sản phẩm
thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng bị phát hiện, Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ buộc các công ty
sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt chuẩn GMP - thực hành sản xuất tốt, đồng thời kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này và một số giải pháp quản lý chất lượng thực phẩm chức năng (TPCN) tới đây, ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh), Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, nói: “Hiện nay, chúng ta mới quy định khi
công bố chất lượng TPCN phải có xét nghiệm định tính chứ không yêu cầu định lượng hoạt chất. Cục An toàn thực phẩm đã nhận được phản ánh, góp ý từ các nhà chuyên môn cho rằng cần có quy định về việc xét nghiệm định lượng hoạt chất của nguyên liệu chứ không chỉ định tính”.
Giám sát chất lượng trên... hóa đơn mua nguyên liệu !
Vậy lâu nay cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng TPCN dựa trên cơ sở nào?
Tiêu chuẩn chất lượng hiện vẫn do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm sản phẩm. Các thành phần công bố dựa trên tài liệu khoa học, các nghiên cứu đã công bố về cây thuốc VN, đặc biệt là không bắt buộc định lượng hoạt chất. Kiểm tra chất lượng được căn cứ về lượng sử dụng trong sản phẩm có đúng như công bố; nguồn gốc nguyên liệu, đơn vị phải thể hiện được đầy đủ trên hóa đơn chứng từ số lượng nguyên liệu nhập vào tương đương với số sản phẩm được sản xuất. Việc kiểm tra sản phẩm chú trọng giám sát về các chỉ tiêu vi sinh như: nấm men, nấm mốc, các vi khuẩn gây bệnh, kim loại nặng, không được quá ngưỡng.
Nhưng để đảm bảo chất lượng TPCN, tới đây sẽ siết chặt
chất lượng sản phẩm thông qua quy định về chuẩn nguyên liệu đầu vào. Nhà sản xuất TPCN buộc phải có hồ sơ thể hiện suốt quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất TPCN…, chứ không chỉ là hóa đơn chứng từ về nguồn gốc.
Thực hiện GMP sản xuất
Việc kiểm soát TPCN tới đây như thế nào?
Sẽ áp dụng GMP với cơ sở sản xuất TPCN. Tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định
4288/QĐ-BYT, ban hành tài liệu hướng dẫn GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, quy định rất rõ ràng chặt chẽ về đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng... Chúng tôi cũng đang xây dựng lộ trình quy định các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt GMP, dự kiến sẽ áp dụng từ 2017 - 2018. Thực tế hiện nay đã có một số cơ sở chủ động đầu tư theo chuẩn này. Áp dụng GMP, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện xét nghiệm, chủ động giám sát sản phẩm của mình từ nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm. Tất cả đều có hồ sơ lưu, nhờ đó sẽ kịp thời ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng.
Qua thực tế thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có doanh nghiệp chỉ có văn phòng, không có nhà máy nhưng vẫn công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường. Thậm chí, không ít trường hợp, khi đoàn kiểm tra đến thì “công ty” đã chuyển đi đâu không rõ. Do đó, khi bắt buộc đạt GMP chắc chắn các “công ty” kiểu này sẽ phải ngưng hoạt động. Con số không đạt GMP hiện ước cả ngàn cơ sở.
Với TPCN nhập khẩu kém chất lượng nhưng đang được bán với giá... trên trời, làm sao để ngăn chặn thưa ông? Để kiểm soát việc này, cơ quan quản lý sẽ có quy định: TPCN nhập khẩu phải có ủy quyền của nhà sản xuất của nước sở tại. Khi họ ủy quyền thì sẽ kiểm soát đối tác tại VN và về phía cơ quan quản lý cũng thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, lô sản phẩm nếu có vi phạm. Ngoài ra, dự kiến sẽ kiến nghị Bộ Công thương không cho phép kinh doanh đa cấp đối với TPCN, vì hình thức này đang bị lợi dụng đẩy giá sản phẩm lên quá mức.
Qua thực tế thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có doanh nghiệp chỉ có văn phòng, không có nhà máy nhưng vẫn công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường. Thậm chí, không ít trường hợp, khi đoàn kiểm tra đến thì “công ty” đã chuyển đi đâu không rõ. Do đó, khi bắt buộc đạt GMP chắc chắn các “công ty” kiểu này sẽ phải ngưng hoạt động. Con số không đạt GMP hiện ước cả ngàn cơ sở