Qua đây, thực trạng kết nối sản xuất - tiêu thụ
nông sản sạch thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới được đặc biệt đề cập đến.
Thực trạng Kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm sạch
Phát biểu tại Hội thảo “Kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm
thủy sản an toàn”, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trần Ngọc Nhuận cho rằng, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông thủy sản quy mô nhỏ lẻ, không đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo
an toàn thực phẩm (ATTP). Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, thanh tra xử lý. Một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận, sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo an toàn, sử dụng các chất độc hại như: thuốc kháng sinh, chất tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản cấm sử dụng hoặc sử dụng quá liều lượng và không đúng thời gian cách
ly. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề
ATTP nhưng chưa có kiến thức đầy đủ, chưa tự phân biệt được sản phẩm an toàn hay không an toàn. Đa số người tiêu dùng quan tâm đến giá cả và vẻ bề ngoài bắt mắt hơn là chất lượng ATTP cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn, tiêu chuẩn chất lượng tốn nhiều chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Các cơ sở nhỏ lẻ không đủ khả năng tài chính để áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch.
Bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đối với các mặt hàng nông thủy sản, công tác xúc tiến thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Các loại nông sản chủ yếu do hộ gia đình sản xuất, chưa có nhiều DN, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành hàng này. Hiện thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm sạch nhưng nguồn cung cấp của tỉnh còn rất ít. Nông sản tươi do chưa phân khúc thị trường và thực hiện việc ghi nhãn sản phẩm, bao bì đóng gói nên người tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mặc dù nhiều loại được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất theo phương pháp an toàn. Đây cũng là lý do giá bán các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn ngang bằng với giá các sản phẩm sản xuất theo phương pháp thông thường.
Theo bà Huỳnh Thị Ngà - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bến Tre, nông sản không an toàn đã gây bức xúc, lo lắng cho người tiêu dùng. TP. Bến Tre có hơn 150 ngàn dân, với trên 100
bếp ăn tập thể, trên 1.200
cửa hàng,
nhà hàng kinh doanh
dịch vụ ăn uống. Hàng ngày, thị trường tiêu thụ số lượng lớn nông sản, thực phẩm, nhưng chưa có điểm
kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn. Tháng 7-2016, TP. Bến Tre có chủ trương “Mỗi phường một điểm bán nông sản an toàn giai đoạn 2016 - 2020”. TP. Bến Tre đang xin chủ trương xây dựng cửa hàng trung tâm cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng và phân phối cho các điểm bán trong hệ thống. “Cần có chính
sách hỗ trợ, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong hệ thống sản xuất - tiêu thụ trong thời gian đầu”, bà Ngà đề xuất.
Ông Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, để có sản phẩm
an toàn vệ sinh thực phẩm trước hết phải có nguồn nguyên liệu an toàn. Người sản xuất cần liên hệ ngành hữu quan để được hướng dẫn các bước
công bố sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy và nên
đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm. Sản phẩm được đóng gói, và ghi rõ các thông tin cần thiết theo quy định để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm an toàn và chưa an toàn.
Ông Nhuận nhấn mạnh: Kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn là cần thiết. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải minh bạch hóa, công bố tiêu chuẩn,
chất lượng sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm an toàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và người tiêu dùng sự cần thiết phải sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn.
Hợp tác giữa DN và nông dân
Ông Tom Kompier - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, phụ trách các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu cho rằng, các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến gay gắt, phức tạp đối với sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đang đặt ra là thủy lợi, đê bao, cống đập, nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất; vấn đề về thích ứng như: cây giống, con giống, chuyển đổi khoa học kỹ thuật sản xuất bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… Giải quyết vấn đề này bằng cách thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp vào đầu tư, gắn kết với nông dân để đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp.
TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Để có niềm tin giữa 2 nhà là cả quá trình tạo lập, duy trì và phát triển. Trong đó, lợi ích được quan tâm nhiều nhất. Nếu nông dân gắn với DN mà lợi ích thỏa đáng, có việc làm và thu nhập tốt cho họ, cho con cái, người thân của họ và các lợi ích khác thì sẽ tạo lập được mối quan hệ bền chặt hơn hiện nay. Khi đã có niềm tin, nông dân sẽ thay đổi cách ứng xử, đó là quyết định lựa chọn và trung thành. Hay nói cách khác, có lợi ích lớn thì nông dân sẽ có trách nhiệm cao hơn đối với DN. Để hạn chế tính rủi ro cho người nông dân, cũng như có sự phân chia đồng đều về lợi ích giữa hai bên, thì phải có sự vào cuộc và quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, các hiệp hội.
TS. Hồ Quang Cua - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang cho rằng, sắp tới cần có điều chỉnh trong chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ thuật theo hướng sinh học. Bởi sinh học giúp an toàn cho cây trồng, sản phẩm, người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là xu hướng tất yếu của thị trường mà người sản xuất nông nghiệp cần điều chỉnh để có thể phù hợp. Đối với DN khi liên kết cần có kỹ thuật viên gần gũi và sâu sát với người dân bằng cách thường xuyên ở đồng ruộng cùng nông dân để hướng dẫn kỹ thuật, tạo dựng niềm tin.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long ngày nay có trình độ, kỹ thuật sản xuất rất giỏi. Song, họ trở về với sản xuất đơn thuần là chỉ chạy theo năng suất, sản lượng mà không chú trọng theo hướng an toàn chất lượng. Đó là do đầu ra sản phẩm. Nông dân tốn kém nhiều chi phí, công sức vào đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn cao rồi cuối cùng không tìm được đầu ra. Đã có nhiều trường hợp xây dựng liên kết giữa 2 bên nhưng cuối cùng gãy đổ vì tính lợi ích chưa được phân chia đồng đều, niềm tin bị phá vỡ.
TS. Hồ Văn Thiệt - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, DN luôn đóng vai trò trọng tâm trong mối liên kết vì họ nắm bắt được nhu cầu thị trường, điều phối sản xuất. Như vậy, để có được mối liên kết bền vững thì cần phải thu hút được DN có tâm, có tầm.
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết, nông dân cần liên kết với nhau, tích tụ đất, tạo ra sản phẩm lớn theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó, mới tạo sức hấp dẫn đối với DN và có quyền đàm phán, thương lượng sòng phẳng với DN