XÂY NHIỀU, HIỆU QUẢ CHẲNG BAO NHIÊU
Xoài cát Hòa Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL vào ngày 3-9-2009 và Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) là đơn vị quản lý cho sản phẩm này. Xoài cát mang CDĐL Hòa Lộc được trồng tại 13 xã thuộc huyện Cái Bè với diện tích trên 1.000 ha. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài cát Hòa Lộc cho biết, sau khi xoài cát Hòa Lộc có CDĐL đã tạo điều kiện cho việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của xoài được trồng trên đất Hòa Lộc (huyện Cái Bè). Đây là cơ sở để tăng giá trị kinh tế cho người dân trồng xoài, đẩy mạnh sự phát triển các lĩnh vực khác như: Công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, giải quyết công ăn việc làm… góp phần tăng giá trị tích lũy cho thương hiệu xoài cát Hòa Lộc, giữ gìn và phát triển trái cây đặc sản của địa phương cũng như cả nước.
Khi đã có logo và thương hiệu riêng, việc tổ chức và tiêu thụ như thế nào cho xứng tầm với sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL và lợi ích cho người sản xuất là vấn đề được đặt ra đối với ngành chức năng. Theo ông Nhơn, trong suốt thời gian qua, HTX tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu của HTX nhưng hiệu quả không cao. Bởi giá xoài cát Hòa Lộc tương đối cao, bảo quản sau thu hoạch còn thấp, chất lượng chưa đồng đều… Từ đó, sức hút của loại trái cây đặc trưng này chưa nhiều. Cũng vì vậy, nhiều thành viên cũng như người trồng xoài chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu riêng cho trái xoài dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí “đấu đá” lẫn nhau.
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) được đăng ký NHTT vào năm 2007. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết: “Từ khi được chứng nhận, HTX cũng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Nhưng số lượng không ổn định, độ đồng đều chưa cao, chất lượng chưa đảm bảo, đặc biệt là vấn đề bảo quản sau thu hoạch còn kém nên khách hàng “lần lượt” bỏ đi. Không mang lại lợi ích cho tập thể, nhiều thành viên đã xin ra khỏi HTX và trái vú sữa Lò Rèn bán trôi nổi bên ngoài. Do không tập hợp được nhiều thành viên, HTX “sống” ì ạch trong suốt thời gian qua. Để nuôi sống mình, HTX cũng thu mua vú sữa và nhiều loại trái cây khác để bán cho đối tác nhưng thương hiệu, logo vú sữa Lò Rèn dường như ít sử dụng đến. Từ đó, người tiêu dùng cũng không nhận ra đâu là trái vú sữa an toàn và đâu là không an toàn.
Theo thống kê, Tiền Giang có 18 NHTT (sơ ri Gò Công, chăn nuôi thủy sản Gò Công, mắm tôm chà Gò Công, mộc tủ thờ Gò Công, yến sào Gò Công, mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông, ca cao Chợ Gạo, thanh long Chợ Gạo, nếp bè Chợ Gạo, hủ tiếu Mỹ Tho, khóm Tân Lập, rau an toàn Thân Cửu Nghĩa, sapo mặc Bắc Kim Sơn, sầu riêng Ngũ Hiệp, gạo Mỹ Thành Nam, chôm chôm Tân Phong, nhãn Nhị Quý, bưởi lông Cổ Cò); 2 NHCN (rau an toàn Gò Công, nghêu Gò Công); 2 CDĐL (xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim). Song, theo khảo sát của chúng tôi, thời gian qua, NHTT, NHCN, CDĐL của hầu hết các sản phẩm trên đều chưa phát huy hiệu quả. Nhiều sản phẩm “sống dở, chết dở”, thậm khí rất khó tồn tại, chứ chưa nói đến việc bảo quản thương hiệu như: Sơ ri Gò Công, ca cao Chợ Gạo, nếp bè Chợ Gạo, gạo Mỹ Thành Nam…
CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN
Theo Sở KH-CN, việc xây dựng NHTT, NHCN, CDĐL đã giúp nhà nông dễ tiêu thụ sản phẩm hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi hàng hóa ngày càng đa dạng nên sản phẩm không có nhãn hiệu thường rất khó tiêu thụ. Ông Dương Văn Bon, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, hội viên cùng sử dụng NHTT chỉ tốn chi phí đăng ký và quảng bá nhãn hiệu nhưng lại có nhãn hiệu để nhiều người cùng sử dụng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của vùng. Ngoài việc có được NHTT để quảng bá cho sản phẩm, hội viên còn được tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật, được tập huấn và hỗ trợ thường xuyên về kỹ năng canh tác, được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm canh tác với nhau, được hỗ trợ cách phòng, chống dịch bệnh cho sản phẩm…
Nói về những khó khăn, hạn chế của NHTT, NHCN, CDĐL, ông Bon cho rằng: “Người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm đều phải có quy trình sản xuất chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và đặc biệt phải an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng hầu hết các NHTT, CDĐL của nông sản hiện nay chưa áp dụng một quy trình sản xuất ổn định hoặc áp dụng không liên tục (VietGAP, GlobalGAP). Việc in ấn bao bì, mẫu nhãn hiệu cho sản phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ nên dễ bị xâm phạm. Nhận thức về NHTT, NHCN, CDĐL chưa được sâu sắc nên chưa phát huy được thế mạnh. Chưa có công nghệ bảo quản lâu để xuất các sản phẩm trái cây đi các thị trường xa hơn. Phần lớn các chủ sở hữu NHTT là các hợp tác xã, tổ hợp tác nên việc lưu giữ các giấy chứng nhận dễ bị thất lạc”.
Sau khi được cấp NHTT, NHCN, CDĐL, vấn đề quan trọng là quản lý và phát triển như thế nào để phát huy hiệu quả. Đây là điều mà các nhãn hiệu, CDĐL của các nông sản trong tỉnh ta chưa có được. Nhãn hiệu chung nhưng chưa có sự “chung tay”, đồng lòng trong phát triển sản phẩm; mỗi người tự lo sản phẩm của mình, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước chỉ hướng dẫn cách làm, chứ không làm thay được