Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Nhắc đến Bắc Giang, không thể không nhắc đến vải thiều Lục Ngạn. Nhờ đất đai, thổ nhưỡng, cộng với truyền thống canh tác lâu năm, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành một trong những loại đặc sản nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước ưa thích. Tuy vậy, giống như nhiều loại đặc sản địa phương trên cả nước, vải thiều Lục Ngạn rất dễ rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Đã có nhiều năm, hình ảnh những chiếc xe chở quả vải nhuộm đỏ con đường dẫn từ Lục Ngạn ra quốc lộ tìm nơi tiêu thụ với giá chỉ vài nghìn đồng/kg đã trở thành nỗi ảm ảnh với người trồng vải.
Để hạn chế tình trạng này, những năm vừa qua, các cơ quan chức năng của huyện Lục Ngạn đã nỗ lực quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, khẳng định nguồn gốc, xuất xứ cũng như đặc thù của vải thiều Lục Ngạn. Cùng với việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, khi sản phẩm đã có tên tuổi, bao bì, nhãn hiệu, logo hợp chuẩn, tình trạng “được mùa mất giá” đã không còn. Hiện, vải thiều Lục Ngạn không những tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu thành công vào nhiều thị trường khó tính như Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản.
Cùng với vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được đánh giá là địa phương có nhiều nông sản đặc trưng như gà đồi Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn, na dai Lục Nam, nhãn lồng Đan Hội, dứa Bảo Sơn (Lục Nam); rau cần Hoàng Lương, nếp cái hoa vàng Thái Sơn, gà giống (Hiệp Hòa); chè Xuân Lương (Yên Thế), chanh đào Tân Thanh (Lạng Giang)… Để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Kế hoạch phát triển thương hiệu nông sản đến năm 2020 với mục tiêu chọn 20 sản phẩm phát triển thương hiệu mới, trong đó nhiều loại nông sản chủ lực được quan tâm lựa chọn phát triển thương hiệu, như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn… Sau 2 năm triển khai, tỉnh đã thực hiện được một nửa kế hoạch, phần còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Phát triển bền vững
Xây dựng được thương hiệu đã khó, phát triển bền vững thương hiệu còn khó khăn hơn. Theo đó, nhiều giải pháp đã được địa phương này triển khai nhằm giữ vững thương hiệu cho các sản phẩm.
Đơn cử, với sản phẩm vải thiều, ngoài việc mở rộng diện tích trồng vải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, huyện Lục Ngạn còn đang phối hợp với nhiều đơn vị để lựa chọn công nghệ bảo quản cho trái vải tươi. Công nghệ từ Nhật Bản, Israel giúp trái vải có thể bảo quản được trong nhiều tháng, do đó có thể vận chuyển được đến các quốc gia ở xa như Pháp, Australia bằng đường biển thay vì đường hàng không, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tại huyện Lục Ngạn, sau khi bảo hộ thành công nhãn hiệu mỳ chũ, UBND huyện và Sở Công Thương Bắc Giang đã chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho hơn 50 hộ mua máy tráng. Qua đây, năng suất sản phẩm tăng, chất lượng bảo đảm. Hàng năm, UBND huyện còn trích từ 30 - 50 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ in bao bì, nhãn mác cho sản phẩm.
Nhờ những nỗ lực kể trên, có thể khẳng định, con đường xây dựng thương hiệu cho nông sản Bắc Giang đang đi đúng hướng khi ngày càng nhiều sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng biết đến, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, nâng cao hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm.
Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, kể từ khi vải thiều Lục Ngạn được công bố chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dù diện tích giảm nhưng giá trị và doanh thu không ngừng tăng, lên đến 15% sau mỗi năm. |