Đến ngày 30-11, Cục SHTT đã thực hiện xử lý 73.298 đơn các loại, trong đó có 40.509 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 6,3%. Cục đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam tồn đọng.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, cần tập trung tháo gỡ, như: Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký SHCN vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng khi số lượng đơn được xử lý hàng năm thấp hơn số lượng đơn tiếp nhận; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công việc; công tác hỗ trợ, tư vấn, phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa được quan tâm và triển khai đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Cục SHTT cho biết, năm 2019, sẽ thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn SHCN, trong đó tiếp tục ưu tiên các đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu bị tồn đọng lâu; đơn sáng chế của người Việt Nam.
Đồng thời, hoàn thành xây dựng Đề án và dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2019; xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và Quy chế phối hợp giữa Bộ KH và CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam; đăng ký thành công ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, với tốc độ nộp đơn năm sau cao hơn năm trước là một thách thức lớn đối với Cục SHTT, do đó, cần có giải pháp xử lý vấn đề tồn đọng đơn. Cục SHTT cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm nhằm thực hiện tốt mục tiêu đặt ra để có bước đột phá trong năm 2019