Cuộc họp chiều 5/9 có đại diện hầu hết lãnh đạo các cục, vụ và Tổ công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương. Đại diện các đơn vị tiến hành phân tích kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đồng thời đề ra kế hoạch hành động cho toàn ngành Công Thương trong thời gian tới.
Theo đánh giá của VCCI và CIEM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xoá bỏ thủ tục, các điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, là một bộ đa ngành, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều. Hiện, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh và như vậy sẽ là cản trở trong viêc huy động phát triển nguồn lực, sản xuất. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.
Thông qua ý kiến của VCCI và CIEM , Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu, trước mắt, các đơn vị cần phải rà soát ngay các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả như thế nào. Từ đánh giá cụ thể kết quả đã làm được, các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lĩnh vực mình quản lý để tiếp tục gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cái gì có thể tháo gỡ, cắt bỏ được ngay thì cần cắt bỏ ngay. Cái gì chưa cắt bỏ ngay được thì nghiên cứu giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm: “Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành”.
Theo Bộ trưởng, việc cải cách hành chính cần dựa trên tinh thần cầu thị, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo kế hoạch cải cách hành chính báo cáo Bộ trưởng xem xét và cùng với Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát và có các quyết định cắt giảm cụ thể. Và điểm khác biệt lần này, đích thân Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm giám sát công tác cải cách hành chính.
Như vậy, từ nay đến ngày 14/9, các đơn vị sẽ còn khoảng một tuần để tiến hành rà soát các thủ tục điều kiện kinh doanh, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trên cơ sở:
- Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ nặng về tiền kiểm để chuyển dần sang hậu kiểm
- Điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế dành cho doanh nghiệp FDI
- Đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014
- Công tác quản lý nhà nước khi chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tính khả thi, điều kiện nguồn lực, khả năng phân cấp...)
Trước đó, theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh (điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường), cụ thể như sau: 1. Ngày 01/7/2016, Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo đó 03 điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất. 2. Ngày 09/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, theo đó số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đang và sẽ được bãi bỏ là 27 điều kiện. 3. Trong năm 2017, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Bộ đã chủ động rà soát trình Chính phủ 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các điều kiện thuộc nhóm điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường (điều kiện đầu tư kinh doanh) thuộc quản lý của công thương như Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về xuất khẩu gạo, Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics v.v.. Theo đó, theo dự thảo các Nghị định sẽ bãi bỏ 75 điều kiện đầu tư kinh doanh theo cách tiếp cận của Luật Đầu tư – điều kiện tiếp cận thị trường, liên quan đến các lĩnh vực cụ thể sau (trong đó lĩnh vực hóa chất và kinh doanh thuốc lá không nằm trong kiến nghị của VCCI): - Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hóa chất: Dự kiến bãi bỏ và đơn giản hóa 23 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định đã được trình Chính phủ xem xét. - Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá đã bãi bỏ 4 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định này đã được trình Chính phủ để ký ban hành. - Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đã bãi bỏ 19 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định. - Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics đã bãi bỏ 01 và sửa đổi 01 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định này đã được trình Chính phủ để ký ban hành. - Nghị định thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về kinh doanh rượu đã bãi bỏ 27 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định này đã được trình Chính phủ để ký ban hành. |