Trong đó, việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như năng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất ở địa phương được coi trọng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế như hiện nay.
* Ưu tiên hỗ trợ nhãn hiệu địa phương
Theo UBND tỉnh, mục tiêu của chương trình này là đến cuối năm 2020 sẽ hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp với nhiều nội dung: nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích...
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học - công nghệ) cho biết, sở sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc thẩm định nội dung đơn cho các đơn vị tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu; phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Đồng thời, cùng với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm của địa phương, tổ chức các hội thảo chuyên ngành về đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ để góp phần nâng cao nhận thức về xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương… |
Đối với đăng ký nhãn hiệu trong nước, mức hỗ trợ tối đa cho một doanh nghiệp là 13 triệu đồng/đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong đó, tư vấn nghiên cứu thiết kế; hỗ trợ 100% lệ phí nộp đơn quốc gia cho mỗi nhãn hiệu hàng hóa đăng ký cho một sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 3 nhãn hiệu hàng hóa hoặc tối đa 1 nhãn hiệu hàng hóa cho 5 nhóm sản phẩm. Đối với nhãn hiệu hàng hóa đăng ký ngoài nước, mức hỗ trợ tối đa cho 1 nhãn hiệu tại một quốc gia là 15 triệu đồng…
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học - công nghệ) cho biết, tiêu chí để được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước phải có các sản phẩm nằm trong lợi thế cạnh tranh của tỉnh, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2018, Sở đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 56 sản phẩm hàng hóa của các cơ sở trên địa bàn các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc Công ty TNHH gấc Trọng Tín (xã Bàu Sen, TX.Long Khánh) cho biết doanh nghiệp đã được hỗ trợ miễn phí việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ logo cho các các sản phẩm từ gấc với nhãn hiệu Haki trong năm 2018. Quá trình để hoàn tất hồ sơ đăng ký khoảng 6 tháng, hiện đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học - công nghệ) thẩm định, xét công nhận nhãn hiệu.
* Gian nan xây dựng thương hiệu
Trên thực tế, để hàng hóa được công nhận nhãn hiệu, được bảo hộ các quyền lợi thì còn phụ thuộc vào thời gian đăng ký thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam rà soát, thẩm định. Đây là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho tất cả các cá nhân, đơn vị trong cả nước.
Sản xuất trứng gà tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). (Ảnh Hải Quân) |
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức rõ ràng về mặt ý nghĩa giữa “xây dựng thương hiệu” và “đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” cũng là một khó khăn trong quá trình hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Đăng ký nhãn hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó. Song “xây dựng thương hiệu” đòi hỏi cả quá trình làm nên uy tín sản phẩm và uy tín doanh nghiệp, thường mất một thời gian dài với rất nhiều chi phí, trí tuệ, công sức… mới lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Đăng ký nhãn hiệu dễ, xây dựng thương hiệu mới là quá trình gian nan, thách thức.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã dù đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý nông sản địa phương… nhưng trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết, công ty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm từ trứng được hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng không dễ, đặc biệt là chi phi để quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh bán hàng sẽ gia tăng, chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được.
“Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ. Khi sản phẩm đã đăng ký thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn nhưng giá thành cao cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm khác chưa có thương hiệu nhưng giá thành rẻ hơn” - ông Đức chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bà Cao Thị Ten, chủ trại gà thảo dược ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cho hay nhãn hiệu đã có từ lâu, song bà vẫn đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Sau nhiều lần nỗ lực, sản phẩm gà thảo dược đã được đưa vào một số siêu thị, cửa hàng của chuỗi Saigon Co.op.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) cho biết, dù chôm chôm của hợp tác xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh đã công nhận, tuy nhiên do chưa đồng bộ trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nên nhiều lô hàng xuất khẩu của hợp tác xã vẫn phải “mượn” thương hiệu của một đơn vị trung gian để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Malaysia