Thương hiệu vừa là tín hiệu, dấu hiệu, để người tiêu dùng nhận biết về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ… vừa là công cụ để phòng chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay có thể bị nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mối nguy làm giả thương hiệu
Thống kê trên thị trường hiện nay, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được sản xuất kinh doanh rất đa dạng về mẫu mã, phong phú chủng loại và linh hoạt về giá cả. Đơn cử, Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương trong và ngoài nước nên cũng là thị trường tiêu thụ rộng lớn mà các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoạt động.
Bên cạnh đó, xu thế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã dần tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Còn ở lĩnh vực ngành nghề, bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, thị trường cạnh tranh khốc liệt với áp lực từ các thương hiệu ngoại đang tấn công như Zara, H&M, Topman…
Thêm vào đó, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng tăng và tinh vi hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, hàng giả, hàng nhập lậu luôn chiếm ưu thế về mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ nên thâm nhập mạnh mẽ vào những khu vực người dân có mức thu nhập không cao và tâm lý tiêu dùng hàng giá rẻ mà không quan tâm đến sự an toàn về sức khỏe trong từng sản phẩm.
Hiện nay, hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không dừng lại ở việc gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp mà nguy hại hơn là có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đồng thời, người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của doanh nghiệp do nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một thực tế đáng báo động.
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, dẫn đến hạn chế đầu tư hoặc không dám mở rộng sản xuất kinh doanh.
Điều này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo ra rào cản đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và đóng góp thiết thực vào chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo ông Peter Willimott, chuyên gia dự án cao cấp Văn phòng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sở hữu trí tuệ có thể trở thành tài sản có giá trị về tài chính và mang lại nguồn thu mới, được sử dụng như cơ sở đảm bảo tài chính; ngăn chặn những người làm hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ để vận dụng hiệu quả, nhất là hệ thống sở hữu trí tuệ được tạo thành từ các luật sở hữu trí tuệ Quốc gia và quy trình thủ tục trên cơ sở đăng ký bảo hộ để đạt được sự bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu quốc tế, kiểu dáng công nghiệp…
Ngoài sự đồng hành với cơ quan quản lý trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp là chủ động xây dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức tiêu dùng đối với khách hàng. Thương hiệu là một trong những tài sản quan trọng và giá trị nhất của doanh nghiệp nên doanh nghiệp luôn phải bảo vệ và nuôi dưỡng.
Với thương hiệu quan trọng là doanh nghiệp truyền thông ra thị trường, khách hàng và thế giới hiệu quả ra sao. Đặc biệt, xây dựng và phát triển một thương hiệu là chiến lược cần thực hiện trong thời gian lâu dài và là hoạt động phổ biến mà doanh nghiệp nào cũng bắt buộc phải làm.
Số hóa tạo sự khác biệt
Theo các báo cáo nghiên cứu khảo sát, hành vi người tiêu dùng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên khác biệt hoàn toàn so với truyền thống. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt, nhất là các phi vụ thâu tóm, mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra rầm rộ và phổ biến hơn trước đây.
Trước tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu để đủ sức giữ vững thị trường và tăng trưởng bền vững. Với hạt nhân là sự phát triển của công nghệ hiện đại, khi cuộc sống con người gắn liền với internet và mạng xã hội, tiến trình công nghệ 4.0 tạo ra những khái niệm mới như xã hội số hóa, cư dân số hóa và điều tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải làm là chuyển đổi số hóa thương hiệu.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia, cho rằng hành trình số hóa thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hướng đến những giải pháp kết nối người tiêu dùng với thương hiệu một cách hiệu quả hơn, dù online hay offline.
Doanh nghiệp phải tư duy tái tạo mô hình kinh doanh để thích ứng với thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, tập trung vào vấn đề trải nghiệm là một trong những yếu tố cần quan tâm, bên cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, cũng như thương hiệu
Trên thực tế cho thấy, thị trường luôn biến động nếu doanh nghiệp không kịp thời chuyển đổi, cụ thể là triển khai số hóa thương hiệu thì rất dễ dàng bị đánh bật ra khỏi thị trường và đánh mất thị phần.
Mặt khác, nhiều câu chuyện thương hiệu bị “xóa sổ” mà trước đó đã có những tín hiệu cảnh báo sớm cho doanh nghiệp như hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm, sức tiêu thụ hàng hóa kém đi, người tiêu dùng không ấn tượng sản phẩm…
Theo ông Nguyễn Xuân Duy, Giảng viên Digital Marketing tại Học viện quốc tế BMG, cần nhìn lại và đánh giá những phương thức mà doanh nghiệp đã sử dụng để tạo ra sự khác biệt thương hiệu.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp chọn sự hỗ trợ từ truyền thông, tuy nhiên tốn rất nhiều chi phí và chưa chắc hiệu quả. Khi công nghệ thông tin phát triển, nhiều doanh nghiệp đưa thông tin lên cộng đồng mạng thì hình ảnh thương hiệu sẽ lan tỏa mang lại hiệu quả kinh doanh tức thì.
Hơn 10 năm đầu tư xây dựng thương hiệu, Công ty Thép Việt Pomina không ngừng tăng cường các giải pháp cải tiến về công nghệ quản lý con người, quản lý dữ liệu và khai thác hệ thống dữ liệu một cách hiệu quả.
Cụ thể, Pomina cũng sớm áp dụng công nghệ trong quản trị, là đơn vị đầu tiên đầu tư và đưa hệ thống SAP-ERP vào vận hành từ năm 2008. Quản trị khoa học bằng điện toán đã giúp các quy trình vận hành trong nội bộ được minh bạch và đổi mới kịp thời.
Bà Đỗ Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Thép Việt Pomina cho rằng, đối với một doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, việc đầu tư công nghệ liên quan đến máy móc thiết bị có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến tương lai doanh nghiệp.
Do đó, Pomina đã trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất có công nghệ tiên tiến thế giới (EAF Consteel) với mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch, tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và trên thế giới. Chiến lược đầu tư và phát triển của doanh nghiệp không nằm ngoài mục tiêu khẳng định thương hiệu trên thị trường thương mại tự do.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều doanh nghiệp nhận định, để phát triển bền vững không có con đường nào khác ngoài xây dựng thương hiệu trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất.
Điều này nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp không ngừng cải tiến thiết kế, chất lượng sản phẩm, năng suất và dịch vụ hậu mãi để mang lại giá trị về vật chất và tinh thần cho khách hàng