- Thưa ông, ông có thể cho biết kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý sở hữu trí tuệ của nước ta thời gian qua?
- Sự phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế đã đòi hỏi hoạt động xây dựng pháp luật sở hữu công nghiệp và nhu cầu đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp phải được nhận thức một cách đúng đắn. Điều này thể hiện qua việc từ công tác quản lý sáng kiến của những năm 1970-1980, Cục Sáng chế đã được thành lập năm 1982, Cục Sở hữu công nghiệp năm 1993 và sau đó là thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thông qua việc thành lập Cục Sở hữu trí tuệ năm 2003.
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận gần 654.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (trong đó có 67.415 đơn đăng ký sáng chế, gần 6.000 đơn giải pháp hữu ích, hơn 43.000 đơn kiểu dáng công nghiệp, hơn 537.000 đơn nhãn hiệu, 101 đơn chỉ dẫn địa lý…). Cục đã cấp 362.737 văn bằng bảo hộ. Trong đó có 20.403 Bằng độc quyền sáng chế, 1.970 Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích, 27.772 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 312.523 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 69 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý…
- Thưa ông, năm 2019 có vẻ là năm ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng của hoạt động xây dựng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam?
- Đúng là năm 2019 có nhiều dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ngày 22-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai hiệu quả hơn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực này.
Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, ngày 14-6-2019 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đáp ứng các nghĩa vụ phải thi hành ngay của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đến ngày 13-9-2019, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm giải quyết các bất cập trong thực tiễn.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế?
- Về hệ thống pháp luật, trước khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vận hành chủ yếu trên cơ sở các văn bản quy phạm "dưới luật" (Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả). Cùng với việc nộp đơn gia nhập WTO, các quy định về sở hữu công nghiệp đã được quy định thống nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 đã hình thành một hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đáp ứng chuẩn mực về “tính đầy đủ” và “tính hiệu quả”, được đánh giá là một sự kiện quan trọng, giúp Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập quốc tế thành công.
Việc dốc toàn lực hoàn thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống sở hữu trí tuệ nói riêng. Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng như chính thức gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đã góp phần đưa hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam từng bước hòa nhập với các tiêu chuẩn chung của thế giới.
Dấu ấn sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế còn được thể hiện ở việc Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc mới đây đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019 cũng như việc Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam được chuyển giao vị trí Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 58) nhiệm kỳ 2019-2021.
- Ông có thể cho biết ngành sẽ tiếp tục thực hiện những gì để khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước?
- Mặc dù nền móng cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước mắt, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện dự thảo hồ sơ đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.