Hiện nay, nông sản của Việt Nam xuất khẩu khá nhiều nhưng đều ở dạng thô hoặc gắn nhãn mác của nước nhập khẩu nên giá trị thấp, sức cạnh tranh kém. Nguyên nhân là do việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản vẫn bị bỏ ngỏ...
Hiện nay, 90% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô. Còn thị trường trong nước, khoảng 80% nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu, thương hiệu. Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn cho biết, nhiều nông sản của Việt Nam xuất khẩu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, logo, nhãn mác... Đây là thiệt thòi lớn cho nông sản Việt Nam khi mất đi lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo ông Sơn, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chưa quan tâm đến việc ghi chép nhật ký đồng ruộng nên không thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...
Từ thực tế của địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: TP Hà Nội đang hỗ trợ người dân xây dựng hàng chục nhãn hiệu sản phẩm tập thể. Đơn cử lĩnh vực chăn nuôi đã có một số sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, như: Sữa Ba Vì, trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu... Lĩnh vực trồng trọt có 4 sản phẩm được đăng ký thương hiệu, gồm: “Gạo Bồ Nâu”, “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn”, “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” và “Gạo thơm Bối Khê”. Thành phố cũng xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho cây ăn quả, như: Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), bưởi đường Quế Dương (huyện Hoài Đức), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai)... Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, hiện tượng mạo danh thương hiệu thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu đặc sản địa phương. Vì vậy, nông sản của Hà Nội vẫn khó tiếp cận siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học để tiêu thụ…
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu địa phương, vùng miền. Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Quốc Doanh, các địa phương nên lựa chọn một số nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu như: Sản lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh; đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... Còn doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cần quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu nông sản ở thị trường trong và ngoài nước. Doanh nghiệp trong nước có thể kết hợp với đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức tour du lịch sinh thái nhằm giới thiệu nông sản Việt Nam đến du khách nước ngoài. Còn ở nước ngoài, doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận thị trường thông qua các kênh phân phối như: Siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên đề xuất: Nhà nước sớm xem xét hỗ trợ các địa phương, người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm; đồng thời xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Trong đó có việc hướng dẫn về lộ trình thực hiện, vốn, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp; tập trung xây dựng thương hiệu một cách khả thi áp dụng vào thực tiễn để có căn cứ triển khai thực hiện, nhất là nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu.