Luật đang “hành” DN?
Bộ Y tế vừa hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Theo đó, trong lần chỉnh sửa này, Bộ Y tế đã phân ra nhiều nhóm sản phẩm hàng hóa để quản lý về chất lượng ATTP. Cụ thể, đối với các sản phẩm thông thường đã qua chế biến, bao gói sẵn, doanh nghiệp (DN) sẽ được tự công bố hợp quy và công bố phù hợp ATTP. Tuy nhiên, với nhóm sản phẩm có nguy cơ cao tới sức khỏe con người bao gồm: Thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe (trong đó có sữa), DN sẽ phải nộp hồ sơ công bố đến Bộ Y tế với thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc.
Mới đây, tại Hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định 38, một số DN cũng đề xuất phân loại sữa theo nhóm tuổi để quản lý. Cụ thể, đại diện Hiệp hội Doang nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, chỉ nên xếp các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi vào nhóm có nguy cơ cao. Với các sản phẩm sữa còn lại, DN có thể tự công bố hợp quy và ATTP.
Cũng theo Eurocham, trong thực phẩm chức năng của Việt Nam có bao gồm cả thực phẩm bổ sung, nếu đưa tất cả các sản phẩm này vào diện quản lý chặt là điều không cần thiết: “Nước mắm bổ sung iot hay nước tương bổ sung sắt cũng được kiểm soát theo quy trình chặt là quá rộng. Vì đây là sản phẩm được nhân dân dùng hàng ngày và rủi ro thấp”, vị đại diện nêu ví dụ.
Tương tự, ông Phí Ngọc Chung, Tổng giám đốc Công ty Trung Thành đề xuất trong nhóm thực phẩm chức năng nên xem xét tách sản phẩm bổ sung. “Nên chăng cần xem tỷ lệ chất bổ sung có trong sản phẩm ở mức độ nào mới bắt buộc phải có công bố của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Trung nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay là không phù hợp.
“Việc quản lý bằng thủ tục kể trên không có tác dụng đảm bảo ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu, hồ sơ. Mặt khác, việc quản lý dựa trên hồ sơ, giấy tờ thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực để hành DN”, ông Tuấn dẫn giải. Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi, thay thế thủ tục công bố phù hợp ATTP kể trên bằng hình thức chứng nhận hợp chuẩn. Theo đó, DN khi sản xuất ra sản phẩm thực phẩm mới sẽ gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định; nếu kiểm nghiệm đạt chất lượng sẽ được xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (công bố trên website của phòng kiểm nghiệm).
Sữa cũng phải được quản chặt như thuốc
Không đồng tình với việc nới lỏng quản lý nhóm sản phẩm liên quan tới sức khỏe, ông Bùi Khánh Tùng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH dinh dưỡng Nuticare nhấn mạnh: “Nếu không quản lý chặt thì tất cả các loại sữa đều có thể biến thành “thần dược”. Quản lý sữa bột cũng cần phải quản lý như thuốc. Chỉ thêm một loại vitamin là có thể phóng đại công dụng”.
Tương tự, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật Chất lượng hàng hóa đều nêu rõ, với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người bắt buộc phải công bố hợp quy. Trường hợp nếu chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp ATTP, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, nếu cho DN tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, muốn công bố thế nào cũng được mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật.
“Dù DN tự chịu trách nhiệm về công bố của mình, nhưng không có cơ quan quản lý nào giám sát thực phẩm bẩn thì quảng cáo thổi phồng chất lượng chắc chắn sẽ tràn ngập thị trường”, ông Châu chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, việc sửa đổi lần này đã rút gọn rất nhiều thủ tục, bỏ bớt thành phần hồ sơ. Trong trường hợp yêu cầu DN làm hồ sơ sửa đổi, bổ sung, phải căn cứ theo các quy định cụ thể để tránh tình trạng phải làm đi, làm lại nhiều lần. Mặt khác, về hoạt động kiểm tra chất lượng ATTP, ông Cường cho hay, Bộ Y tế sẽ bổ sung trường hợp được miễn kiểm tra đối với DN có ba lần kiểm tra liên tiếp được đảm bảo sẽ không phải kiểm tra lần thứ tư.
“Mặc dù tạo điều kiện cho DN, song vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm công bố liên quan tới sức khỏe, chức năng con người đều phải kiểm soát chặt”, ông Phong khẳng định