Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (LTTP)TPHN, cho biết, Việt Nam đã tham gia ký kết 2 hiệp định thương mại (FTA) lớn gồm: Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA – có hiệu lực 1/10/2009) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP – có hiệu lực 10/2010). Các hiệp định này đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành lương thực thực phẩm đã có sự chuẩn bị về đầu tư để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng những thuận lợi mà các hiệp định mang lại. Nhờ đó, kim ngạch thương mại Việt Nam – Nhật Bản tăng đều qua các năm. Riêng năm 2017, tổng kim ngạch xuất
nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 33 tỷ 434 triệu USD; Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 16 tỷ 841 triệu USD, tăng 14.8% so với cùng kỳ năm 2016.
3 loại kiểm tra chất lượng cần phải thực hiện
Mới đây, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3 đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu các thủ tục Hải quan và các Phương thức đánh giá sự phù hợp đối với thực phẩm,
nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản” tại TPHN nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các thủ tục khi muốn thâm nhập vào thị trường khó tính này.
Theo ông, Đặng Thái Thiện, Phó chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Quản lý hàng Đầu tư – Cục Hải quan TPHN, để đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý các thủ tục về hải quan, kiểm tra
chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản… Trong đó, ông Thiện nhấn mạnh các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là
giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng xuất khẩu, bởi
CFS được xem là một công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, cũng như gia tăng độ tin cậy. Khi một sản phẩm có CFS nghĩa là sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu; và sản phẩm đó cũng đã được cho phép sản xuất buôn bán và tiêu dùng tại nước sở tại. Doanh nghiệp xuất khẩu đã xin được giấy chứng nhận CFS sẽ dễ dàng hơn trong việc lưu hành sản phẩm của mình tại nước bạn, không bị mất nhiều thời gian và chi phí khác. CSF cũng là chứng nhận bắt buộc phải có để làm hồ sơ xin cấp phép
công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với một số
thực phẩm nhập khẩu đặc biệt như mỹ phẩm,
thực phẩm chức năng, phụ gia,
hương liệu thực phẩm.
Về quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thực phẩm, nông sản của Nhật Bản, ông Tagata Hajime - Giám đốc Công ty SK (Công ty chuyên về đánh giá sự phù hợp chất lượng hàng hóa của Nhật Bản), cho biết, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản có 3 loại kiểm tra.
Thứ nhất là kiểm tra bắt buộc: Dựa trên luật
an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực phẩm nào có khả năng có vấn đề cao theo yêu cầu của Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản sẽ thực hiện kiểm tra bắt buộc khi nhập khẩu.
Thứ hai là kiểm tra hướng dẫn: Cơ sở kiểm dịch sẽ xác nhận đơn vị nhập khẩu có thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm không.
Thứ ba là kiểm tra giám sát: Tại cơ sở kiểm dịch, hàng hóa không là đối tượng của kiểm tra bắt buộc thì với mục đích để nắm rõ tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, căn cứ vào kế hoạch hàng năm mà tiến hành giám sát liên tục, thực hiện xác nhận tính
an toàn thực phẩm hiệu quả cao. Trường hợp có vi phạm về thuốc trừ sâu hay những vi phạm khác, thì sẽ tăng cường tần suất kiểm tra giám sát, nhằm xem xét có cần thiết cho vào loại kiểm tra bắt buộc hay không.
Ông Tagata Hajime nhấn mạnh, kiểm tra bắt buộc và hướng dẫn sẽ do đơn vị kiểm định có đăng ký với Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản thực hiện. Kiểm tra giám sát do Phòng Kiểm dịch thực hiện nhưng có một phần được ủy thác cho đơn vị ngoài. Hàng hóa được xác định là không cần kiểm tra, hay kết quả kiểm tra là không có vấn đề sẽ được cấp chứng nhận hoàn tất kê khai nhập khẩu, có thể tiến hành
thủ tục hải quan. Kết quả kiểm tra là vi phạm thì hàng không được bán tại Nhật, phải xử lý hoặc trả về.