Một DN bán thịt bò nói họ không biết cảnh báo gì vì thịt bò đã qua các khâu kiểm tra rồi. Mà không ghi cảnh báo, hồ sơ không được chấp nhận. Cuối cùng DN đành phải ghi đại là... “không sử dụng khi hết hạn sử dụng” |
Ông Phạm Thanh Bình (chuyên gia USAID-GIS) |
Trong khi đó, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nhiều thủ tục chỉ mang tính hình thức, không giúp ích gì cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), thậm chí trái luật...
Mất 5 tháng mới được cấp “tiếp nhận hợp quy”!
Sau khi kiểm nghiệm sản phẩm đạt chất lượng theo quy định, cuối tháng 11-2016, một doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TP.HN nộp hồ sơ xin giấy tiếp nhận hợp quy tại Cục ATTP (Bộ Y tế) với đầy đủ giấy tờ và được tiếp nhận.
Nhưng sau một tháng, Cục ATTP gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp này bổ sung hồ sơ. Sau khi bổ sung, tháng 1-2017 Cục ATTP lại gửi công văn yêu cầu bổ sung lần thứ 2. Và đến tháng 2-2017, doanh nghiệp này lại nhận được công văn của Cục ATTP yêu cầu bổ sung lần 3!
Đến cuối tháng 3-2017, sau khi bổ sung đầy đủ hồ sơ cả ba lần như yêu cầu, doanh nghiệp này mới được Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận.
“Chúng tôi đã mất tổng cộng hơn 4 tháng mới xin được tờ giấy tiếp nhận hợp quy, dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ” - giám đốc doanh nghiệp này bức xúc nói.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã bị “hành lên hành xuống” mới nhận được giấy “tiếp nhận hợp quy” từ Cục ATTP.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết một trong những thủ tục mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến bao gói phải thực hiện là xin cấp giấy chứng nhận hợp quy.
Dù nghị định 38 của Bộ Y tế quy định giấy này phải được cấp trong 7 ngày, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết để nhận được tấm giấy này, họ phải mất đến 3 tháng hoặc lâu hơn.
Các tiêu chí để thẩm định và xét công bố phù hợp quy định ATTP không rõ ràng, thậm chí vô lý, khiến việc hiểu và đáp ứng được yêu cầu của cán bộ thẩm xét rất khó khăn.
Cộng thêm thời gian kiểm nghiệm và xin chứng nhận hợp quy khoảng 2 tháng (vì sản phẩm phải được kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy, tức đạt chất lượng theo quy chuẩn, mới có hồ sơ để xin tiếp nhận chứng nhận hợp quy).
Như vậy, tổng thời gian kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy và thời gian để cấp giấy tiếp nhận hợp quy lên tới... 5 tháng.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, thời gian để xin cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP còn kéo dài hơn nhiều.
Thực phẩm bao gói bị vạ lây
Ông Trần Việt Huy - Giám đốc Công ty Trasas (TP.HN), đơn vị có hơn 10 năm nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm - cho biết doanh nghiệp ngành thực phẩm rất khó khăn với các quy định chồng chéo của các bộ, ban, ngành.
Do nhiều quy định không rõ ràng nên hồ sơ gửi hết lần này đến lần khác, được chỉ tiêu này lại đòi bổ sung chỉ tiêu khác, bổ sung rồi lại bổ sung, rất mệt mỏi.
“Mỗi tháng công ty chúng tôi phải làm công bố đến 100 bộ hồ sơ phù hợp vệ sinh ATTP. Doanh nghiệp khổ lắm, cực lắm. Biết là luật chồng chéo nhưng nên có cách giải quyết cho doanh nghiệp dễ thở hơn” - ông Huy bức xúc.
Trong khi đó, theo thống kê của ngành y tế, các sự cố mất ATTP phần lớn là do thực phẩm chưa bao gói trong bữa ăn hằng ngày (năm 2016 chiếm 97,8%), các nguyên nhân khác chỉ có 2,2%.
Một doanh nghiệp cho rằng nếu muốn khắc phục tình trạng thiếu ATTP, lẽ ra phải tăng cường kiểm tra thực phẩm chưa bao gói, thay vì “chăm chăm” vào thực phẩm bao gói sẵn vốn có ít nguy cơ.
“Với thực phẩm bao gói, chỉ nên hậu kiểm, kiểm nghiệm điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm trên thị trường đúng như chỉ đạo của Chính phủ, thay vì quản lý trên giấy tờ, không giải quyết được gì” - một doanh nghiệp nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết Cục ATTP cấp tới 35.000 giấy phép mỗi năm, nếu đơn giản hóa thủ tục sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc cho xã hội.
Chẳng hạn, chỉ cần giảm thời gian xét duyệt đi nửa tháng/mỗi sản phẩm sẽ tiết kiệm được 525.000 ngày công lao động, chưa kể giảm được các chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến các thủ tục không cần thiết này.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia của USAID-GIS, cho biết thực tế là có nhiều khâu kiểm tra rất hình thức.
Ví dụ đối với hàng nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, việc kiểm tra chủ yếu là kiểm tra cảm quan, chỉ nhìn và sờ nhưng mà vẫn cứ kết luận.
Một số thực phẩm sản xuất trong nước được yêu cầu phải ghi thông tin cảnh báo trên nhãn, nhưng có nhiều sản phẩm doanh nghiệp không biết phải ghi cảnh báo gì.
“Một doanh nghiệp bán thịt bò nói với tôi họ không biết cảnh báo gì vì thịt bò đã qua các khâu kiểm tra rồi. Mà không ghi cảnh báo, hồ sơ không được chấp nhận. Cuối cùng doanh nghiệp đành phải ghi đại là... “không sử dụng khi hết hạn sử dụng” mới được thông qua” - ông Bình kể.
* Bà Trần Việt Nga (Phó cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế): Không làm sai luật Thực tế có nhiều quy định dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp nhưng là do có nhiều bộ tham gia vào quản lý hàng thực phẩm chứ Bộ Y tế không làm sai luật như phản ảnh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, kiểm tra hàng thực phẩm nhập khẩu do ba bộ quản lý ban hành ba quy định khác nhau, quy trình thủ tục cũng khác nhau, cách thức kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ có thể do tính cả thời gian nghiên cứu luật pháp hoặc thông qua các cá nhân trung gian để làm việc với các cơ quan nhà nước dẫn đến thông tin phản hồi không chính xác. * Ông Nguyễn Hoài Nam(Phó tổng thư ký Vasep): Gây tốn kém thời gian và tiền bạc Thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP là trái với các luật hiện hành được các doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị bỏ lâu nay nhưng không được giải quyết dứt điểm. 100% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp bị kiểm tra đã gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của DN, tạo sự bất công cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Theo tôi, cần thay đổi nhiều về cách quản lý không giống ai của các cơ quan quản lý hiện nay, bởi nó không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không đóng góp vào quản lý ATTP. * Bà Trần Ngọc Hân (đại diện Ủy ban thực phẩm và đồ uống Phòng Thương mại Hoa Kỳ): Không giúp ích cho việc đảm bảo ATTP Một sản phẩm thực phẩm hiện nay phải cõng rất nhiều giấy phép con vì không chỉ xin giấy phép thành phẩm mà còn cả giấy phép cho các nguyên liệu đầu vào như bao gói, hương liệu, phụ gia... Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất bánh chocolate có 12 nguyên liệu, phải xin giấy phép cho cả 12 loại nguyên liệu đó tốn tổng cộng 300 ngày mới xong. Sau đó còn xin giấy công bố cho sản phẩm sau cùng. Quy định gửi mẫu phân tích định kỳ sản phẩm hằng năm gây tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng lại không đóng góp cho đảm bảo ATTP bởi không thay thế cho công tác hậu kiểm. |