Cơ hội đan xen thách thức
Do không có sự tham gia của Hoa Kỳ nên CPTPP đã có những nội dung khác biệt so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng về SHTT, có nhiều điều được thay đổi, chẳng hạn các nước không còn phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền lên 70 năm (chỉ từ 50 năm). Điều này giúp giảm chi phí hữu hình cho các nước thành viên của CPTPP so với TPP.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), CPTPP ân hạn một thời gian hay còn gọi là “treo” việc thực hiện một số lĩnh vực cho vài nước, trong đó có nước ta, chẳng hạn như 5 năm để hoàn thiện Luật SHTT. Đây là cơ hội để nước ta điều chỉnh các quy định, văn bản pháp luật về SHTT để phù hợp với các quy định của CPTPP. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, mặc dù vấn đề bảo hộ quyền SHTT đã được Chính phủ triển khai từ năm 2007. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hiện thực hóa việc xác lập quyền SHTT nhưng trên thực tế việc thực thi quyền này ở nước ta còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề nên dẫn đến tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT diễn ra khá phổ biến.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.Hồ Chí Minh thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ở nước ta hiện nay, việc thực thi các quy định về SHTT còn hạn chế; việc khắc phục các trường hợp xâm phạm quyền SHTT vẫn còn là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý. Chẳng hạn như hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi.
Sớm thích ứng với các quy định mới
Theo đánh giá, về cơ bản, CPTPP tiến bộ hơn so với TPP. Đối với Việt Nam, tham gia CTTPP, SHTT là một thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là khi vi phạm SHTT ở Việt Nam thì chỉ bị xử phạt hành chính các hành vi vi phạm SHTT, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự. Đại diện Bộ KHCN cho rằng, khi tham gia CPTPP, Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cho phù hợp; đồng thời coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ quyền SHTT, nhất là tệ nạn hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền, thương hiệu... ngay ở trong nước.
Để thích ứng với các quy định của CPTPP, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước, sửa đổi cơ chế, chính sách và tăng cường công tác tuyên truyền, các chuyên gia cho biết Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế. Chẳng hạn như cùng các nước trong CTTPP xây dựng lực lượng quản lý chuyên trách phòng chống hành vi vi phạm nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm SHTT...
Đối với các doanh nghiệp trong nước, cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia tham gia CPTPP. Cùng với đó, các địa phương phải đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
“Với CPTPP, các chuẩn mực về SHTT có khắt khe hơn, nhưng cũng không ngoài mục đích vì lợi ích lâu dài và bền vững của mỗi quốc gia”, ông An cho biết thêm.
CPTPP có 11 nước tham gia, gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, Malaysia, Singapore, Chile, Việt Nam, Peru, New Zealand và Brunei. Có hơn 20 điều khoản bị tạm hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với TPP. Về SHTT (chương 18), CPTPP giảm bớt 11 nội dung so với TPP. Đối với nước ta, sau khi CPTPP được ký kết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua vàquyết định việc đưa vào thực hiện theo lộtrình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.