Thông tin trên Người lao động cho biết, từ cuối tuần qua, hàng loạt cửa hàng di động, máy tính tại TP HN và Hà Nội cùng nhận được 1 thư thông báo đến từ đại diện pháp lí của Apple tại Việt Nam là công ty Võ Trần (VOTRA). Nội dung thư có tiêu đề là: “Thư Thông báo và Khuyến cáo từ Công ty Võ Trần (VOTRA)” với nội dung: “hiện tại, cửa hàng của quý Ông/Bà không phải là đơn vị được ủy quyền của Công ty Apple để bán và/hoặc sửa chữa các sản phẩm của Apple nhưng tại đây đang sử dụng các nhãn hiệu “logo Táo khuyết”, “Apple” hoặc “iPhone” trên biển hiệu cửa hàng”.
Bên cạnh đó thư gửi đến 1 số cửa hàng còn khẳng định: “Có thời điểm, cửa hàng của Ông/Bà còn kinh doanh hàng hóa mang nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple mà là hàng giả mạo nhãn hiệu”. Trong thư có nêu Công ty Apple là chủ sở hữu các nhãn hiệu “iPhone”, “Apple”, logo “Quả táo khuyết” và nhiều nhãn hiệu khác như “App Store”, “Apple Store, “iPod”, “iPad” và “MacBook”, … đang bảo hộ tại Việt Nam cho nhiều sản phẩm về thiết bị ghi, truyền, tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh như: iPhone, iPad, iPod… cùng các linh phụ kiện của chúng; bao gồm cả các dịch vụ về kinh doanh, quảng cáo, viễn thông theo nhiều đăng ký nhãn hiệu quốc gia và quốc tế”.
Theo văn bản từ VOTRA, Người lao động thông tin thêm, đơn vị này là đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại VN của Apple Inc, trụ sở tại 1 Infinite Loop, Cupretino, California 95014, Hoa Kỳ.
Thư này cũng nói rõ: Việc này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được ủy quyền của Công ty Apple. Do đây là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Công ty Apple nên Công ty Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này.
Đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam yêu cầu trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải chấm dứt ngay việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple. Đồng thời, chấm dứt việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Apple.
Theo đó, Vnexpress cho biết, cách đây 4 năm, Apple cũng từng gửi văn bản tương tự đến các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Sau khi gỡ bỏ theo yêu cầu, cửa hàng kinh doanh bình thường. Hiện nay, khá nhiều cửa hàng mới mở sử dụng thương hiệu của Apple nên hãng gửi lại thông báo.
Trao đổi với Vnexpress, luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt, Hà Nội cho hay, theo luật sở hữu trí tuệ việc đơn vị đại diện pháp lý cho Apple có yêu cầu các cửa hàng bán lẻ không phải là đại diện chính hãng những nội dung như trên là đúng pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
“Apple cũng như các nhãn hiệu của hãng được bảo hộ trên toàn thế giới, tại Việt Nam cũng như vậy nên dù tổ chức, cá nhân sử dụng để quảng cáo cũng đều phải được sự chấp thuận từ hãng. Việc bán các sản phẩm có thương hiệu của hãng cũng phải tuân thủ các quy định do đơn vị này đặt ra”, ông Nam cho hay.
Trong trường hợp nếu các đơn vị phiên âm từ ngữ trên biển hiệu ra tiếng Việt vẫn có thể bị coi là vi phạm pháp luật nếu đại diện Apple làm thủ tục chứng minh thông qua một tổ chức có chức năng giám định về SHTT.