Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế
Thời gian cập nhật: 27/12/2019
Trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, cho thấy Việt Nam chủ động và nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về cách thức tiến hành và chế tài xử lý vi phạm để bảo đảm tính khả thi
Bảo đảm tính thống nhất với luật pháp quốc tế
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn trong một kỳ họp nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một số nghĩa vụ Việt Nam phải thực hiện ngay từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp từ 3 đến 5 năm. Cụ thể, có 2 nội dung liên quan tới nhãn hiệu, 1 nghĩa vụ liên quan đến tên miền internet, 3 nghĩa vụ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, 1 nghĩa vụ liên quan đến sáng chế và 5 nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ còn tập trung vào vấn đề sáng chế, với việc sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ).
Về chỉ dẫn địa lý, sửa đổi Khoản 1, Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Đối với 4 nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm (gồm: Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường; bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm; thẩm quyền mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới của cơ quan hải quan), các nghĩa vụ này sẽ bắt đầu phải thi hành từ năm 2022, dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cho tương thích với các quy định trong Hiệp định CPTPP là cần thiết, thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Khắc phục những “khoảng trống” pháp lý
Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là có tính tương thích cao với Hiệp định CPTPP.
Góp ý vào nội dung quy định về hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) dẫn chiếu Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành để phân tích, nếu quy định như trong dự thảo luật về việc phải đăng ký khi chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan quản lý thì chưa phù hợp. Bởi các đối tượng có thể “lách luật” bằng cách không thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mà áp dụng hình thức quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ thì rất khó quản lý, có thể dẫn đến hệ lụy trong quản lý và những rủi ro, tranh chấp.
Cũng theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, quy định về mức bồi thường thiệt hại không quá 500 triệu đồng khi tổ chức, cá nhân sử dụng quyền sở hữu công nghiệp làm tổn hại đến các tổ chức, cá nhân khác là chưa phù hợp vì trong nhiều trường hợp, mức thiệt hại có thể lớn hơn hoặc không xác định được. Do đó, cần quy định trung gian (tòa án, trọng tài…) là cơ quan đưa ra phán quyết cuối cùng với vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Đoàn Quảng Ngãi) lại nhận định, vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan tới nhiều lĩnh vực như pháp luật hình sự, dân sự, trong đó, cụ thể hóa bởi những hành vi vi phạm về nhãn hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái... Dự thảo luật đã nêu khá đầy đủ các loại hình vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ, song quy trình thủ tục, cách thức tiến hành và chế tài xử lý vi phạm... vẫn còn là “khoảng trống”.
Theo đại biểu, cần có sự tham vấn của các chuyên gia tư pháp để có góc nhìn đa chiều hơn trong việc hoàn thiện luật, từ đó nhanh chóng khắc phục nhiều kẽ hở và những vấn đề còn khiếm khuyết của luật hiện hành.
Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, cần làm rõ hơn nội dung quy định về đơn đăng ký trước nhãn hiệu để bảo đảm tính nhất quán. Cụ thể, với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể tạm dừng thủ tục hải quan là không phù hợp với quy định của Hiệp định CPTPP. “Việt Nam không cần phải luật hóa quy định bởi đưa ra nội dung bổ sung có thể gây khó hiểu và cơ quan hải quan nên loại bỏ nội dung này”, đại biểu đề xuất.
Trân trọng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát cẩn trọng nhằm bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả của luật khi áp dụng trong thực tiễn