Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Tiêu chuẩn hóa để tạo lòng tin

Thời gian cập nhật: 27/12/2019

Tại Hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng: Để nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, tạo niềm tin với người tiêu dùng, chúng ta phải đưa tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vào cuộc sống và chấp nhận chúng như các tiêu chí kỹ thuật.

Vẫn là mặt hàng xa xỉ

Thời gian gần đây, trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, xanh, sạch và thân thiện với môi trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù vậy, liên quan tới dạng sản phẩm này vẫn còn nhiều điều để nói. Đáng kể là việc áp dụng và chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... còn chưa được triển khai rộng rãi, thông tin thiếu minh bạch và chưa trở thành nhu cầu tất yếu đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
 

 

Chè là một trong những sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 76.666ha đất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN, nhưng mới chỉ chiếm 0,28% tổng diện tích đất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, tập trung vào chè, gia vị và tinh dầu. Theo Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chủ yếu là chè và rau quả, tập trung ở các thành phố lớn. “Một số cửa hàng, siêu thị bày bán rau quả hữu cơ với giá tương đối cao so với sản phẩm cùng loại, tuy nhiên, người tiêu dùng còn chưa thật sự tin tưởng vì thiếu thông tin xác thực và chưa có chứng nhận của bên thứ ba", ông Hà Phúc Mịch nói.

Đánh giá về thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam, ông Vũ Hoàng Minh, chuyên gia đánh giá thị trường Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn mới mẻ và có nhiều rào cản, do đó, sản phẩm chứng nhận hữu cơ đang là mặt hàng dành cho khách hàng có thu nhập cao là chủ yếu.

Minh bạch hóa hoạt động sản xuất

Trước thực trạng nói trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ và trình Bộ KH-CN công bố từ cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các hướng dẫn về nội dung này trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, các tiêu chuẩn nói trên khi được triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất sản phẩm hữu cơ nói riêng, hỗ trợ việc thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã được Chính phủ ban hành ngày 29-8-2018. Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.

Ông Lê Thành Hưng (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam) cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện nhóm TCVN về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn. “Các tiêu chuẩn Việt Nam được công bố sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Lê Thành Hưng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hà Phúc Mịch, để các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của hộ gia đình, trang trại. Mỗi thị trường có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn và để đáp ứng yêu cầu đó, cần tìm hiểu thị trường cũng như tiêu chuẩn và các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, tránh tình trạng các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn nhưng vẫn được chứng nhận, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà phân phối và người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc để tránh việc phân phối, tiêu dùng sản phẩm kém chất lượng.

Ngoài việc đề cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia nhấn mạnh đến sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách về thực phẩm hữu cơ, kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chứng nhận… để thúc đẩy quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.

CÁC TIN BÀI KHÁC

Khách hàng của chúng tôi
MIXUE
PIZZA HUT
Phô Mai Monzelez Kinh Đô
TH
Coca Cola
Vissan
KYSI
RISEN
pizza4ps
Khách hàng 0
Hao Chi
Maza
supercleangloves
Khách hàng 2
Tràng An
ĐẠI HƯNG
Khách hàng 3
Khách hàng 4
Royal
GREEN FARMING
Ngôi Sao
MỸ CHÂU
The World
HƯNG THỊNH PHÁT
Thiện Bình
Thinh Long
HẢI HÀ
An Lanh
Danameco
HANVICO
BIỂN ĐÔNG
Khách hàng 1
Các tổ chức liên kết nhận chứng nhận
TQC
EMERGO
I3C
SGS
TÜV SÜD South Asia
PQI
BSI
UNICERT
BV
INTERTEK
UASL
0904.699.600