Thắt chặt quản lý kinh doanh rượu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/11/2017. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Phát hiện hàng loạt vụ rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Trước đó, khi triển khai Chỉ thị 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, lực lượng Quản lý thị trường đã mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.
Điển hình là vào ngày 3/3, Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với lực lượng Công an, Trung tâm y tế huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tiến hành kiểm tra hộ sản xuất kinh doanh bánh mỳ ở tiểu khu 56, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ do ông Phạm Quốc Huy làm chủ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 39 can rượu (779kg rượu tương đương khoảng 800 lít rượu) không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 07/3, Tổ công tác liên ngành gồm Đội QLTT số 11 thuộc Chi cục QLTT Hưng Yên và Đội 5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-383.52 do lái xe ông Hoàng Đức Doanh (xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 14 can rượu ngâm (30lít/can, tổng số 420 lít) không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ông Hoàng Đức Doanh khai nhận toàn bộ số rượu trên của ông Nguyễn Văn Nam. Đại diện của ông Nguyễn Văn Nam không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng tiến hành tịch thu toàn bộ số rượu trên và xử lý theo quy định pháp luật.