Trên thực tế, dù không có trong Luật an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng quy định “xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP” để được cấp công bố hợp quy theo Nghị định 38 tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm lại là thủ tục bắt buộc với các DN sản xuất thực phẩm chế biến bao gói.
Bỏ ngoài tai mọi kiến nghị
Quy định này, theo giới chuyên gia và DN, dù gây tốn kém tiền bạc và mất nhiều thời gian cho DN nhưng lại không có đóng góp đáng kể nào vào việc kiểm soát vệ sinh ATTP. Vì thực chất, Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất, cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp. Đồng thời, quy định cũng nêu rõ DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phù hợp ATTP.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP, quy định này của Bộ Y tế không chỉ không phát huy tác dụng của việc kiểm soát ATTP mà còn dẫn tới một hệ quả về thời gian để xin cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy dài hơn nhiều so với quy định do các thủ tục xét duyệt phức tạp, mặc dù, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và xác nhận đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đó còn chưa kể tới việc các tiêu chí để thẩm xét công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không rõ ràng, thậm chí vô lý, nên dễ dẫn tới việc cán bộ thẩm xét trực tiếp thực hiện sẽ làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng nhũng nhiễu DN.
Điều đáng nói, dù trong cả năm 2016, VASEP đã nhiều lần đệ đơn kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP sau khi các DN thủy sản, thực phẩm liên tục than phiền về tác động của quy định thủ tục “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” trong Nghị định này. Không chỉ VASEP, EuroCham, AmCham cũng đã cùng kiến nghị khi phát hiện quy định này không có trong Luật An toàn thực phẩm.
Thậm chí, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Jonathan Moreno - Chủ tịch Chi hội TP HN của AmCham đã thẳng thắn cho rằng, thủ tục hành chính ngoài luật này đã làm tiêu tốn nguồn lực nhà nước vào những hoạt động cấp phép chỉ trên giấy tờ, mà lẽ ra phải tập trung vào hậu kiểm, khiến tình hình an toàn thực phẩm tại VN không được cải thiện.
Và trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN (ngày 17/5/2017), AmCham cũng đã gửi kiến nghị sửa đổi các quy định trên của Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Kiến nghị này đã được các DN nhắc lại trong Diễn đàn DN VN giữa kỳ năm 2017 đầu tháng 6 năm nay và Bộ Y tế cam kết sẽ sửa lại sau hai tháng, song, đến nay, tất cả lời hứa sửa đổi đều đang bị “bỏ ngỏ”!
Một mình một chợ
Theo phân tích của ông Phạm Thanh Bình - Chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), vì có quy định liên quan đến thủ tục công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm này của Nghị định 38/2012/NĐ-CP mà Bộ Y tế và các bộ có chức năng về quản lý an toàn thực phẩm nói chung đã không xây dựng các quy chuẩn VN cần thiết, dẫn tới phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý một cách tuỳ tiện, thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), gây khó khăn cho DN...
Trong khi đó, bản chất của hoạt động đăng ký công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó.
Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”. Và trên thực tế, hiện tại, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công bố hợp quy thuộc ngành khác như: khoa học - công nghệ, xây dựng… đang thực hiện theo quy trình này.
Nhưng theo ông Bình, riêng ngành y tế lại cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và sau đó là Giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy. Đó là chưa kể khoảng thời gian mà DN phải dành để có được các giấy tờ trên nhiều hơn nhiều lần so với quy định 15 ngày làm việc… Do vậy, thời gian làm thủ tục công bố hợp quy của DN thường rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm DN mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN - ông Bình phân tích.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản:Tư duy lạc hậu Tư duy quản lý ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế) bằng việc “xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP” là vô cùng lạc hậu”. Vì thực chất của quy định này cơ quan quản lý không xuống cơ sở kiểm tra mà chỉ căn cứ trên hồ sơ và mẫu DN nộp để “phán” an toàn hay không. Thực tế, mẫu này làm sao đại diện cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa trong khi đó lực lượng quản lý có hạn, sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, chế biến phức tạp. Chính vì thế Bộ Y tế cần giải pháp quản lý tổng thể, bao quát, hệ thống. Còn với cách làm như hiện nay sẽ không quản lý được, không hiệu quả, gây tốn kém cho DN.
Không thể bỏ thủ tục “công bố hợp quy” và “công bố phù hợp quy định ATTP” vì việc quản lý ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật Chất lượng hàng hóa đều nêu rõ, với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người thì bắt buộc phải công bố hợp quy, trường hợp nếu chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp ATTP, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền. Hiện Cục đã nhận hồ sơ công bố phù hợp ATTP qua mạng, DN chỉ việc gửi hồ sơ qua mạng không tốn nhiều thời gian |