Tọa đàm “Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm” do báo Pháp Luật TP.HN tổ chức ngày 25-8 đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp (DN) đối với đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế.
Bỏ giấy phép con sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho hay thời gian gần đây phòng Quản lý chất lượng của DN này liên tục phải xin ý kiến lãnh đạo công ty về việc thực hiện các thủ tục liên quan đến ATTP.
“Nhiều quy định đã có rồi nhưng cách hiểu thì có sự khác nhau giữa DN và cơ quan quản lý. Chúng tôi đi lên đi xuống nhiều lần thì mới đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP” - bà Ninh nói.
Nhắc lại câu chuyện một thanh sôcôla phải cõng 13 giấy phép, bà Ninh còn cho rằng nếu sôcôla có 16 nguyên liệu thì cũng phải xin giấy phép cho từng nguyên liệu ấy. Lấy ví dụ về sản phẩm xúc xích lắc của Vissan, bà Ninh nói trong sản phẩm này có thêm gói phô mai, được công ty nghiên cứu rất công phu, bài bản, đảm bảo chất lượng, rồi thuê nơi khác gia công nhưng đến cuối cùng vẫn phải công bố hợp quy đối với gói phô mai đó và với sản phẩm xúc xích lắc.
Ông Lâm Bá Nhị, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Vissan, nói về giấy chứng nhận hợp quy và giấy chứng nhận phù hợp ATTP rằng: “Những giấy phép này là một hàng rào để các DN chứng nhận chất lượng thực phẩm của mình. Nhưng việc triển khai nó thế nào mới là điều quan trọng”.
Ông Nhị cho rằng cơ quan nhà nước cần phải có cách triển khai, hướng dẫn cụ thể, chi tiết để DN tuân thủ các quy định. “Từ luật, xuống nghị định, rồi xuống tới thông tư thì cách hiểu chủ quan của mỗi DN, cách nhìn nhận chủ quan của người thực thi quy định, tiếp nhận hồ sơ của DN còn có những khoảng cách, bất cập và chưa thống nhất” - ông Nhị nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HN, thì nói rằng: “Nếu bỏ các giấy phép con này sẽ tác động tốt đến DN”.
Theo bà Chi, các DN, các cơ quan nhà nước đều nhìn thấy những bất cập về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính nhưng hành động của các cơ quan có thẩm quyền, các công chức chưa quyết liệt nên phương châm “Chính phủ hành động, kiến tạo” vẫn chưa được thực thi.
Đây chính là một trong những nút thắt về thể chế đối với không chỉ kinh doanh thực phẩm. “Trong ngành chế biến thực phẩm, chúng tôi đang đối diện với hàng loạt nguy cơ từ nước ngoài. Tới đây xúc xích, cân đường… của họ rẻ hơn chúng ta. Nếu không cải cách thì không nâng cao được năng lực của DN khi sức sản xuất không được giải phóng” - bà Chi nói.
Kiến nghị một cách cụ thể, bà Chi cho rằng các cán bộ, công chức chỉ cần dành năm phút ngó qua hồ sơ mỗi khi DN nộp để hướng dẫn ngay DN cần bổ sung gì. Hướng về đại diện Cục ATTP, bà Chi nói: “Chuyển động trong tâm thế, tác phong của công chức là mấu chốt. Cần phải “máu lửa” lắm mới làm được. Tôi hiểu và chia sẻ ý định muốn giúp đỡ DN của lãnh đạo”.
Dẫn số liệu của Hải quan TP.HN gần đây, bà Chi cho biết với các nguyên, vật liệu dùng trong chế biến thực phẩm, tổng số lô hàng vi phạm chỉ 0,04%. “Ý thức của DN như thế là rất tốt, vi phạm không nhiều” - bà Chi nói.
Vì sức khỏe của dân nhưng phải tính lại giấy phép con
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Kinh tế và quản lý TP.HN, cho rằng thực phẩm liên quan đến toàn dân, đến chất lượng giống nòi. “Chính phủ và Bộ Y tế đã nói nhiều về điều này và có nhiều hành động, giải pháp. Tuy thế hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn vẫn rất nhiều” - ông Dũng nhận định.
ông Dũng cho rằng dứt khoát phải xử lý hình sự những người làm hàng giả, thực phẩm bẩn để bảo vệ sự phát triển an toàn.
Tuy vậy, ông Dũng cũng nhận định rằng việc thực thi các quy định về kinh doanh thực phẩm đang có nhiều vấn đề.
“Đặt ra các tiêu chuẩn ATTP là đúng, hàng rào cần phải có nhưng ban hành quy định chưa hẳn là giải pháp tối ưu vì nó vi phạm nguyên tắc công bằng” - ông Dũng nói và lưu ý cả hai phía, cơ quan nhà nước và DN, phải chủ động nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định để thực thi.
Đồng tình rằng bánh sôcôla phải có nhiều giấy phép, ông Dũng lý giải bởi nhiều DN làm ăn không ổn. Nhưng mặt khác ông Dũng không đồng ý khi chu trình nuôi gà chỉ mất 40 ngày mà giấy phép cho sản phẩm gà đông lạnh lại mất tới 30 ngày.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HN, thì nhận định: Những giấy phép con trong bất kể lĩnh vực nào, kể cả ATTP đều làm cho chi phí của DN tăng lên, nhất là khi cộng cả “chi phí không chính thức” vào. Đó là nguồn cơn của điều ông Liêm gọi là “tham ô, tham nhũng vặt”, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực của DN.
“Thực ra yêu cầu về đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là cần thiết nhưng phải rà soát xem các giấy phép phù hợp chưa” - ông Liêm kiến nghị.
Cán bộ không được “vẽ rắn thêm chân” Bộ Y tế nhận thấy rằng xã hội phát triển, mọi thứ đều biến động và xem xét lại thủ tục hành chính là điều cần làm. Tới đây, các thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản hơn, thời gian rút ngắn hơn. Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng: Cần phải có những quy định về ATTP vì sức khỏe của người dân. Về mặt pháp luật thì thực phẩm thuộc hàng hóa nhóm 2 (nhóm có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, động vật, môi trường) thì phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, không như cái bàn, ghế, tivi. Khi là hàng hóa nhóm 2 thì phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và phải công bố với các cơ quan có thẩm quyền để xác nhận. Tuy vậy, việc công bố hợp quy và phù hợp ATTP là cần thiết nhưng phải nhanh gọn, thông thoáng. Vấn đề đạo đức công vụ đối với ATTP phải nói thật là cũng có những trường hợp vi phạm. Cục ATTP đã xử lý nghiêm và đề ra những biện pháp nội bộ để ngoài những thủ tục đã được quy định ra thì cán bộ, công chức không được đưa thêm các yêu cầu, thủ tục khác cho DN. Chúng tôi từng kiểm tra thì đúng là có trường hợp gần hết hạn thẩm định hồ sơ thì chuyên viên mới thông báo cho DN và chúng tôi đã xử lý nghiêm. Tôi rất mong muốn được nghe các DN phản ánh cụ thể để xử lý những trường hợp không thực hiện đúng quy định. Bà TRẦN VIỆT NGA,Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế |