Doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm
Theo Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật ATTP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP được chính phủ ban hành đã làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý trước đó, từ phương thức công bố đến phương thức đăng ký tự công bố, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, điều kiện vệ sinh, quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm.
Cụ thể, theo Nghị định này, thay vì tất cả các sản phẩm bao gói sẵn trước đây phải cấp giấy xác nhận phù hợp thì bây giờ chỉ có 3 nhóm sản phẩm bao gồm: nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ tới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới và những sản phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt như thực phẩm ăn qua xông cho người bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý. Các sản phẩm còn lại do các DN tự công bố. Trong đó có các chỉ tiêu an toàn về kim loại nặng, tồn dư hóa chất bảo vệ thực phẩm, các vi sinh vật gây bệnh, nấm men, nấm móc... các DN cũng tự công theo mức giới hạn cho phép mà Bộ Y tế đã quy định.
Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra ATTP.
Đồng thời, DN phải gửi một bản tới cơ quan quản lý, sau đó được phép sản xuất. Các cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào bản công bố này để tăng cường hậu kiểm, nếu lấy mẫu kiểm nghiệm mà không đúng như DN tự công bố thì sẽ xử lý rất nghiêm.
Đối với kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Nghị định 15 sẽ giảm tối đa số lô sản phẩm phải kiểm nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm đã công bố đăng ký chất lượng và các nhà máy đã có chứng nhận hệ thống GMP, HACCP..., khi nhập khẩu hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, trừ trường hợp có cảnh báo và trường hợp sản phẩm ra thị trường mà phát hiện sai phạm thì sẽ đưa vào dạng kiểm soát chặt.
Cùng với đó, Nghị định 15 có những quy định mới: Mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thay đổi về kiểm soát ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc lưu giữ thông tin, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm ATTP...
Liên quan đến việc nghị định quy định DN được tự công bố sản phẩm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga khẳng định, cho phép DN tự công bố sản phẩm nhưng không có nghĩa muốn công bố thế nào cũng được, quảng cáo ra sao cũng tùy. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất. Hơn nữa, Nghị định 15 chỉ là nghị định về tạo cơ chế trong việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, tập trung vào chỉ tiêu ATTP, không có nghĩa là bỏ trống chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt đối với việc hậu kiểm, Chính phủ hiện đang có đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường, có chức năng mới, sẽ xử lý hành động nhanh hơn, chỉ đạo xuyên suốt, thì việc kiểm soát các quy định, tuân thủ các quy định của Nhà nước về kiểm soát ATTP sẽ được đẩy mạnh. “Ngoài ra, hệ thống thanh tra, thí điểm tại các thành phố lớn về ATTP đến tận tuyến huyện, xã, với lực lượng thanh tra chuyên ngành này, việc phát hiện ra các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, điều kiện ATTP sẽ thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”- bà Lê Việt Nga lưu ý.
Đồng tình với quan điểm đó, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong lý giải, Nghị định tạo điều kiện thông thoáng cho DN nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Để có biện pháp xử lý kịp thời, nếu DN sai phạm, cơ quan quản lý khi hậu kiểm sẽ thực hiện lấy ba mẫu, một mẫu lưu tại cơ sở, hai mẫu mang về kiểm nghiệm. Nếu không đạt chất lượng, sẽ có biện pháp xử lý kịp thời. Điều này để tránh tình trạng như trước đây, nhiều địa phương lấy mẫu kiểm tra, có khi mấy tháng mới có kết quả. Lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cục ATTP cũng đang đề xuất sửa đổi Nghị định 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về ATTP