Phụ gia thực phẩm là một chất khác thực phẩm (chất điều vị, ổn định, chống oxy hóa, tạo bọt, ngọt tổng hợp, tạo đặc, làm lỏng, hương liệu, phẩm màu...) hiện diện trong thực phẩm qua các khâu sản xuất, chế biến, bao gói, tồn trữ. Phụ gia thực phẩm không bao gồm các chất bị nhiễm vào thực phẩm.
Trong quá trình sản xuất, chế biến, chất phụ gia, gia vị là những loại không thể thiếu để tăng thêm hương vị, kích thích vị giác, mang lại cho người dùng cảm giác ngon miệng hơn hoặc kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.
Tuy nhiên, thị trường đang có sự lưu hành của nhiều sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc. Lực lượng quản lý thị trường TPHN và các tỉnh thành khác, thời gian qua đã bắt nhiều vụ làm hàng giả, làm hàng nhái, buôn bán phụ gia, gia vị thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, tại Bình Dương cơ quan chức năng đã bắt giữ một vụ làm giả 5 tấn hạt nêm từ các loại nguyên liệu “không tên” chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự.
Tại TPHN vấn đề phụ gia thực phẩm đang là mối lo ngại, trong buổi làm việc với Hội đồng Nhân dân thành phố vào cuối tuần trước, đại diện Sở Y tế cho biết, có tới hơn 42% mẫu phụ gia thực phẩm được kiểm định không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài những mặt hàng trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc, các loại phụ gia, gia vị thực phẩm vẫn đang được buôn bán lẫn lộn với hóa chất trong chợ Kim Biên (quận 5).
Phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đang tiềm ẩn nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng. Phân tích chuyên môn của BS.CKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thống Nhất chỉ ra: “sử dụng phụ gia không đúng liều lượng, phụ gia nằm ngoài danh mục được cấp phép của Bộ Y tế, không chỉ phá hủy các chất dinh dưỡng, vitamin trong thực phẩm mà còn gây hại cho sức khỏe như: Ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, gây bệnh ung thư, đột biến gen, quái thai, ảnh hưởng đến chức năng gan thận...”
Để tránh những tác hại nguy hiểm cho sức khỏe, BS Kim Loan khuyến cáo, ngoài việc lựa chọn những mặt hàng thực phẩm tươi ngon, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, người nội trợ cũng phải đặc biệt lưu tâm đến việc sử dụng gia vị, chất phụ gia trong chế biến, bảo quản thực phẩm.
Theo đó, trước khi có ý định mua bất kỳ loại phụ gia, gia vị nào, người nội trợ phải đọc kỹ nhãn mác với đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, chất lượng được công bố của sản phẩm; tìm hiểu xem loại phụ gia được sử dụng có thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế hay không. Khi sử dụng, cần tuân thủ các chỉ định được nhà sản xuất hướng dẫn như liều lượng dùng hoặc loại phụ gia nào được dùng với đối tượng thực phẩm nào. Tuyệt đối không sử dụng phụ gia cho nhóm đối tượng thực phẩm ngoài hướng dẫn sử dụng hoặc sử dụng quá liều lượng.
Bên cạnh những đề nghị cơ quan chức năng cần có những giải pháp hợp lý và hiệu quả, xử lý triệt để vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, BS Kim Loan kêu gọi cộng đồng cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng những hành động cụ thể: tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; không tuyên truyền, không mua bán, không sử dụng thực phẩm, phụ gia trôi nổi