Trong thời gian qua, báo chí cũng như dư luận xã hội liên tục phản ứng gay gắt về dự thảo TCVN - 12607:2019 do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản chủ trì xây dựng, vì cho rằng các nội dung có tính “tiêu chuẩn” nêu trong dự thảo có thể trói buộc, bóp chết nước mắm truyền thống.
Trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho rằng, những chính sách, quy định mà các cơ quan chức năng liên tục đưa ra trong thời gian qua, mục đích là để thắt chặt nước mắm truyền thống, tạo điều kiện về thị phần, thị trường cho nước mắm công nghiệp, có lợi cho các tập đoàn sản xuất nước mắm, nước chấm công nghiệp.
Trong thông cáo gửi báo chí, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thông báo lại quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn dành cho nước mắm như sau:
Dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu 10 năm, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản được giao nhiệm vụ biên soạn dự thảo TCVN quy phạm thực hành sản xuất nước mắm từ đầu năm 2017.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, cơ quan này đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ dự thảo. Trong quá trình soạn, ban soạn thảo đã cân nhắc lược bỏ các khuyến nghị được cho là khó áp dụng, không khả thi đối với điều kiện sản xuất nước mắm hiện nay tại Việt Nam để bảo vệ, ủng hộ các nhà sản xuất nước mắm trong nước. Ví dụ như bỏ khuyến nghị về việc phải moi ruột đối với cá nguyên liệu có kích thước chiều dài thân lớn hơn 12cm, bỏ khuyến nghị phải bảo quản ở nhiệt độ dưới 3 độ C đối với cá nguyên liệu ngay sau khi đánh bắt để kiểm soát ô nhiễm vi sinh và sự phân hủy cá...
Dự thảo TCVN - 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.
“Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng”- Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, rất nhiều cơ sở đã tự công bố và áp dụng các tiêu chuẩn với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm so với TCVN, như ở Phú Quốc - là địa phương có nhiều cơ sở chế biến nước mắm đã đầu tư những đội tàu chuyên khai thác hoặc liên kết chặt chẽ với ngư dân để xử lý, bảo quản cá nguyên liệu ngay sau khi đánh bắt, giúp tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng và đủ điều kiện xuất khẩu - cần được nhân rộng mô hình để nâng tầm nước mắm Việt.
Trong những ngày qua, nhiều người bức xúc cho rằng dự thảo “thắt chặt” nước mắm truyền thống mà Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đưa ra không được công bố rộng rãi, âm thầm xây dựng nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được biết và hiện nay đã “khóa sổ” việc tiếp thu ý kiến chỉnh sửa để chuyển sang cơ quan thẩm định.
Tuy nhiên trong thông cáo chiều 8-3, cơ quan này bổ sung rằng, hiện nay Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (cơ quan thẩm định) và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (cơ quan biên soạn) - với tinh thần cầu thị, lắng nghe, vẫn tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 8-3 tại Hà Nội, ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phát triển thị trường thuỷ sản - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng cần phân biệt giữa khái niệm “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn”. Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện không bắt buộc, còn quy chuẩn là bắt buộc phải áp dụng. Thông điệp đưa ra tiêu chuẩn xuất phát từ đòi hỏi yêu cầu thực tiễn, cần quan tâm kiểm soát, bất kể quy mô thế nào cũng cần tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, nâng cao nhận thức, uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là yêu cầu chính đáng và xu thế tất yếu của người tiêu dùng.
Còn ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế thì cho rằng đây là quy phạm hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, dành chung cho nước mắm Việt Nam để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Sau khi dẫn chứng rằng hiện nay thực trạng thị trường cá và hải sản (nguyên liệu để làm nước mắm) đã thay đổi, tình trạng tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển, cá có thể nhiễm độc, rồi dụng cụ chứa đựng, chum sành có an toàn không… ông Đáng cho rằng, cần thiết ban hành, ban hành sớm tiêu chuẩn cho nước mắm và đề nghị đưa ra quy định chung về chức năng, điều kiện, áp dụng cho tất cả cơ sở sản xuất nước mắm vì sức khoẻ người tiêu dùng, “không nhằm riêng vào cái gì cả, gây mất đoàn kết trong ngành chế biến nước mắm”.
Ông Đáng cho rằng, trên thế giới không có phân định nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp mà trên thị trường Việt Nam đều tự xưng, tự nhận. “Ở trên thế giới không có sự phân loại thì tại sao lại cứ dựa vào đó để phân định”- nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra lý lẽ.
Với câu hỏi dự thảo có bắt buộc quy định mức giới hạn của histamine trong nước mắm không, ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bổ sung thêm rằng, đây không phải là tiêu chuẩn quy định mức giới hạn histamine là 400 hoặc trên hay dưới 400ppm. “Dự thảo này có phải bắt buộc không? Đây là dự thảo theo đúng tinh thần pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng không phải bắt buộc” – ông Linh nói. Về việc người sản xuất lo ngại tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng “vẽ” ra sẽ thành quy chuẩn, ông Linh khẳng định quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hoàn toàn khác, độc lập với xây dựng tiêu chuẩn, không dễ gì quy định tiêu chuẩn thành quy chuẩn bắt buộc áp dụng |