Phá bỏ ma trận giấy phép con

Thời gian cập nhật: 27/12/2019

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, mặc dù các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay đã giảm từ 267 xuống còn 243, nhưng số lượng các điều kiện kinh doanh vẫn ở mức khủng khiếp: 5.719 điều kiện

Còn theo ước tính mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay đang tồn tại tới 3.407 loại giấy phép kinh doanh. Chính các loại giấy phép con, thậm chí giấy phép cháu, chắt… này đang tạo thành một “ma trận”, là rào cản tạo ra sự trì trệ của nền kinh tế.  

“Cắt đứt” một quyết định gây khó dễ cho doanh nghiệp trong 10 năm trời

Ngày 17.8.2017, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một quyết định khiến cộng đồng doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm như trút được “gánh nặng ngàn cân” treo vào cổ hơn 10 năm trời. Đó là quyết định số 37/2017/QĐ-TTg hủy bỏ Quyết định 50/2006/QĐ-TTg về danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.

Điều đáng nói là Quyết định 50 trên thực tế đã hết hiệu lực từ… 10 năm trước. Cụ thể tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được Quốc hội thông qua ngày 21.11.2007. Theo quy định tại Luật này, hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được tách bạch. Khoản 2 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa XK, NK lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn gồm các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Quốc phòng và Công an.

Đến nay, các bộ đã ban hành Danh mục hàng hóa thuộc nhóm hai do bộ mình quản lý. Đồng thời, tại Điều 71 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hủy bỏ hiệu lực của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999 và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21.10.2004.

Như vậy, căn cứ pháp lý ban hành Quyết định số 50 đã hết hiệu lực từ rất lâu nhưng cho tới bây giờ mới bị bãi bỏ. Hậu quả trong suốt 10 năm tồn tại một cách “nửa vời” này khiến doanh nghiệp lao đao, cơ quan quản lý lúng túng đặc biệt trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, hầu hết thiết bị y tế nhập khẩu về Việt Nam đều phải kiểm định rồi mới được thông quan. Ngạc nhiên là, khi một trang thiết bị y tế sản xuất tại các nước tiên tiến thì sản phẩm đó đều đã trải qua những quy trình đăng ký, kiểm tra chất lượng ngặt nghèo với các tem nhãn chứng nhận của cơ quan chức năng nước sở tại trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu. Thế nhưng khi NK về Việt Nam, các trang thiết bị ấy lại phải kiểm định lại từ đầu. Đó là điều hết sức vô lý.

Mặc dù hàng trăm mặt hàng sẽ không phải đối mặt với ma trận “giấy phép con” kể từ 5.10.2017 tới đây theo quyết định 37/2017/QĐ-TTg nhưng còn đó hàng ngàn điều kiện kinh doanh phi thị trường.

“Những ngành nào pháp luật không cấm thì được phép kinh doanh. Nhưng các giấy phép con vô lý, thừa, hoặc các điều kiện kinh doanh chồng chéo cần được cắt bỏ để xóa bỏ sự trì trệ, tạo cơ hội để doanh nghiệp phát huy hết năng lực, tạo niềm tin, hứng khởi để doanh nghiệp dám tiên phong đi đầu, đổi mới, sáng tạo đem hết khả năng, nội lực và đồng vốn để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Muốn như vậy, cần phải xóa bỏ những quy định phi thị trường” - TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Minh Thiện - CEO Cty TNHH Cỏ May - nêu một ví dụ khác: “DN không biết đến bao giờ Nghị định 109/2010/NĐ-CP được sửa đổi, điều chỉnh. Các quy định về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, kho bãi 5.000 tấn, xay xát 10 tấn/giờ… là không cần thiết, nên để DN tự quyết. Bởi hiện nay có những nhà máy xay xát chuyên môn hóa có thể gia công với công suất, số lượng lớn, đáp ứng được cho 5-10 DN chuyên xuất khẩu gạo. Như vậy hiệu quả hơn nhiều so với việc bắt các DN xuất khẩu gạo phải đầu tư xưởng, máy móc nhưng không sử dụng hết công suất rất lãng phí”.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng lên tiếng đề nghị sửa đổi, bỏ bớt các quy định tréo ngoe của Nghị định 38/2012/NĐ-CP, yêu cầu doanh nghiệp phải có được một “giấy phép con” là giấy chứng nhận hợp quy khi thực hiện quy trình để đưa 1 sản phẩm bao gói sẵn ra thị trường của doanh nghiệp. Bởi tính từ ngày nộp hồ sơ lần đầu đến khi nhận được giấy chứng nhận hợp quy, DN phải mất 4-5 tháng. Lúc đó cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã bị lỡ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy là sản phẩm tác động đến sức khỏe, tính mạng con người. Vấn đề cần kiểm soát đối với ngành, nghề này là đảm bảo việc sử dụng mũ bảo hiểm an toàn của người đi xe máy. Sản phẩm cuối cùng trước khi đi ra thị trường cũng phải được kiểm duyệt để đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Do đó, kiểm soát điều kiện đối với các chủ thể kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy là không cần thiết, chưa hợp lý và là cản trở lớn đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

 

 

 

Xuất khẩu gạo cũng gặp khó bởi các quy định chưa phù hợp cần được tháo gỡ. Ảnh: P.V 

 

Đừng để một miếng socola cần 13 giấy phép mới được xuất khẩu

“Khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, thủ tục thông quan một lô hàng hóa hết 48 tiếng theo đúng thông lệ quốc tế ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 38%. Trong đó, thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, 78% còn lại là thủ tục chuyên ngành. Đặc biệt, việc thông quan đối với hàng hóa cần kiểm tra ATTP, dữ liệu hải quan lấy 104 mẫu thì có trường hợp mất tới 16 ngày. Như sản phẩm socola của một doanh nghiệp được sản xuất từ 12 loại nguyên liệu thì phải thực hiện “công bố phù hợp ATTP” cho cả 12 loại nguyên liệu này và sản phẩm cuối cùng. Tính ra, có tới 13 loại giấy phép. Và trong quá trình làm, nếu chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, không thay đổi chất lượng thì vẫn phải làm lại toàn bộ thủ tục” - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Những câu chuyện trên cho thấy vấn đề rào cản kinh doanh còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh tối giản những giấy phép, điều kiện chính thức thì cần có cơ chế để ngăn cản, xử lý những hành vi tự ý ra quy định, yêu cầu làm khó người dân và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của VCCI, rà soát các ngành, nghề kinh doanh trong Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư 2014 (sửa đổi danh mục năm 2016), nhiều ngành, nghề không nên được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nên loại bỏ khỏi danh mục, vì hoạt động của các ngành, nghề này không tác động đáng kể tới các trật tự công. Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển… Nhiều hoạt động kinh doanh nên được quản lý bằng phương thức khác (kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm, hàng hóa) thay vì áp đặt điều kiện kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh.

VCCI cho rằng, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục Luật đầu tư còn nhiều vấn đề, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016, nhưng để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, các bộ nên tự rà soát và đánh giá lại các ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý của mình, nhất là gắn với mục tiêu quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014 để đảm bảo Danh mục này thực sự xác định chính xác những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

“Các điều kiện kinh doanh cũng mang tính áp đặt, can thiệp vào quyền tự quyết của DN, can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính, đẩy chi phí lên cao, gây khó khăn cho DN là điều hết sức vô lý, cần được điều chỉnh” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Theo báo cáo của Bộ KHĐT trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22.8, bộ đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở DN lâu nay. Trong số này, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ. Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, cũng được kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần. Cùng với việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ KHĐT đề xuất thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD. Cụ thể, thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy, Nhà nước kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tuân thủ pháp luật.

CÁC TIN BÀI KHÁC

Khách hàng của chúng tôi
MIXUE
PIZZA HUT
Phô Mai Monzelez Kinh Đô
TH
Coca Cola
Vissan
KYSI
RISEN
pizza4ps
Khách hàng 0
Hao Chi
Maza
supercleangloves
Khách hàng 2
Tràng An
ĐẠI HƯNG
Khách hàng 3
Khách hàng 4
Royal
GREEN FARMING
Ngôi Sao
MỸ CHÂU
The World
HƯNG THỊNH PHÁT
Thiện Bình
Thinh Long
HẢI HÀ
An Lanh
Danameco
HANVICO
BIỂN ĐÔNG
Khách hàng 1
Các tổ chức liên kết nhận chứng nhận
TQC
EMERGO
I3C
SGS
TÜV SÜD South Asia
PQI
BSI
UNICERT
BV
INTERTEK
UASL
0904.699.600