Phụ gia thực phẩm là gì?
Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.
- Luật An toàn thực phẩm số:
55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
- Thông tư số số: 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm;
- Thông tư số: 01/2011/TT-BYT ngày 13 tháng 01 năm 2011 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm;
- Thông tư số: 44/2010/TT-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2010 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm;
- Quyết định số: 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31 tháng 08 năm 2001 về việc ban hành “quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”
Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng
Trên thị trường có hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau, do đó để xác định phụ gia thực phẩm nào được phép sử dụng và sử dụng với liều lượng bao nhiêu cần căn cứ vào Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 3742 /2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đó, các loại phụ gia thực phẩm được chia làm 23 nhóm. Trong đó có các loại phụ gia chính như: nhóm các chất điều chỉnh độ axit, chất điều vị, chất ổn định, chất ngọt tổng hợp, chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu, đường hóa học..., được sử dụng phổ biến trong chế biến và bảo quản thức ăn ở nước ta hiện nay.
Nhóm các chất điều chỉnh độ axit, các chất bảo quản gồm các chất natri axetat, axit fumaric, natri lactat, axit sorbic, natri sorbat... có tác dụng bảo quản, tạo sự ổn định, chống oxy hóa thực phẩm.
Nhóm các chất ngọt tổng hợp gồm các chất manitol, acesulfam kali, aspartam, sacarin...là đường tổng hợp, có độ ngọt gấp nhiều lần đường thông thường, không có giá trị về mặt dinh dưỡng, nhưng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Nhóm các chất phụ gia phẩm màu bao gồm các chất vàng curcumin, vàng riboflavin, vàng tartrazin, đỏ amaranth, xanh brilliant fcf, đen brilliant pn...có tác dụng tạo màu sắc hấp dẫn cho thực phẩm nhưng không gây hại đến sức khỏe.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo
- Đúng đối tượng thực phẩm và liều lượng không vượt quá mức giới hạn an toàn cho phép.
- Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn quy định cho mỗi chất phụ gia theo quy định hiện hành.
- Không làm biến đổi bản chất, thuộc tính tự nhiên vốn có của thực phẩm.
Những yêu cầu đối với nhà sản xuất
- Chỉ sử dụng các chất phụ gia thực phẩm có trong danh mục cho phép của Bộ y tế.
- Phụ gia phải đảm bảo chất lượng dùng cho thực phẩm.
- Sử dụng đúng liều lượng quy định.
- Phải đăng ký tên phụ gia thực phẩm sử dụng trong chế biến thực phẩm với cơ quan quản lý và ghi rõ trên nhãn sản phẩm.
- Không được mua bán, trao đổi, dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm các loại phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, chưa được đăng ký hay cho phép của Bộ y tế.
Người tiêu dùng cần cần lưu ý
- Chỉ sử dụng những loại thực phẩm chế sẵn đã đóng gói, có nhãn mác rỏ ràng, đúng quy định (tên sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất, số đăng ký chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần phụ gia)
- Thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm có nhiều màu sắc sặc sở mà
nhãn hiệu, nguồn gốc chế biến không rỏ ràng, không đăng ký chất lượng.
- Khuyến cáo người tiêu dùng cung cấp các thông tin về mua bán, trao đổi, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định pháp luật hoặc nghi ngờ phụ gia thực phẩm độc hại cho các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng thực phẩm