Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác phản ánh các đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực của các bộ, ngành liên quan tới việc cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và thủ tục quản lý chuyên ngành trong thời gian qua.
Tham gia cuộc khảo sát năm 2018 có 3.061 doanh nghiệp, trong đó 46% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
550 doanh nghiệp thừa nhận có chi trả phí ngoài quy định
Một nội dung quan trọng được báo cáo chỉ ra đó là Chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Theo đó, có tới 18% tổng số doanh nghiệp khảo sát (tương đương khoảng 550 doanh nghiệp) thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định. 56% số doanh nghiệp cho biết không chi trả loại chi phí này, 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “Không biết”.
Đặc biệt, có tới 15% số doanh nghiệp (tương đương 459 doanh nghiệp) cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Năm 2015 con số này là 31% doanh nghiệp.
52% số doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định và 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không.
Hình thức phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).
Bình luận những thông tin đã nêu, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, hiện ngành hải quan chỉ chịu trách nhiệm 28% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, còn lại 72% số thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc về các bộ, ngành chuyên môn, trong đó lớn nhất là Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, có 18% doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận có phải chi trả chi phí không chính thức, giảm so với 28% của năm 2015. Số doanh nghiệp không biết và không muốn công bố thông tin này là 26%.
“Đáng mừng rằng có 56% doanh nghiệp không phải chi trả chi phí không chính thức. So với lần điều tra năm 2015 thì con số này chỉ đạt 37%, như vậy là đang có sự thay đổi tích cực”, ông Tuấn nói.
Trong đó, theo khảo sát, doanh nghiệp thừa nhận phải chi trả chi phí không chính thức cho thủ tục thông quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, quản lý thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế,…
Ông Tuấn nói: “Những hình ảnh kẹp tiền vào hồ sơ để “bôi trơn” đã tạo hình ảnh không hay cho ngành, tình trạng này vẫn còn đang diễn ra và cần có biện pháp khắc phục triệt để”.
Về thực hiện thủ tục hải quan: hoàn thuế không thu thuế (23% số phản hồi đánh giá khó khăn, so với chỉ 17% đánh giá là dễ dàng); thủ tục KTSTQ (tỷ lệ đánh giá khó/rất khó là 20%, so với 13% chọn dễ/rất dễ); giải quyết khiếu nại (20% số phản hồi đánh giá khó khăn, so với chỉ 11% đánh giá là dễ dàng); xử lý vi phạm hành chính (15% số phản hồi đánh giá khó khăn, so với chỉ 12% đánh giá là dễ dàng).
Một số khó khăn cụ thể các doanh nghiệp thường gặp gồm: Các quy định hay thay đổi, phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, sự hướng dẫn chưa đầy đủ hay sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước khác. Một bộ phận doanh nghiệp phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi thực hiện công bố hợp quy
Về thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành: Có 38% số doanh nghiệp cho biết từng thực hiện những thủ tục này trong năm vừa qua. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục là dễ thực hiện ở mức khá thấp chỉ xung quanh mức 15 - 27%.
Về quản lý chất lượng hàng hóa: Lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa bao gồm 3 nhóm thủ tục chính là thủ tục cấp giấy phép - giấy tờ tương đương, thủ tục công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng.
Với thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện tại Bộ Y tế (26%), thấp nhất là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (14%).
Khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy, các bộ ngành có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là: Bộ Y tế (24%), thấp nhất là Bộ Công Thương (14%);
Khi thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện thủ tục của Bộ Thông tin truyền thông (17%).
Về quản lý an toàn thực phẩm: Lĩnh vực này bao gồm 3 nhóm thủ tục chính là thủ tục cấp giấy phép và các giấy tờ tương đương, công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đối với nhóm thủ tục cấp giấy phép và các giấy tờ tương đương, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện thủ tục tại Bộ Y tế (22%), thấp nhất là ở Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (15%).
Với nhóm thủ tục công bố hợp quy, việc thực hiện khó khăn nhất là ở Bộ Y tế (23%), thấp nhất là Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (11%).
Đối với nhóm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cao nhất vẫn là Bộ Y tế (16%) và thấp nhất vẫn là Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (9%).