Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin
VCCI công bố báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện thủ tục hành chính trong XNK năm 2018 với các chỉ số liên quan đến chi phí ngoài quy định cải thiện vượt bậc. Số DN trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài quy định giảm còn 18% thay vì 28% như năm 2015. Khoảng 56% DN trả lời cho biết không phải trả phí ngoài quy định, trong khi tỷ lệ này của năm 2015 chỉ là 37%.
Tuy nhiên, khảo sát các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tại các bộ thì DN vẫn phải chi các khoản ngoài quy định. Với thước đo về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo 5 mức: Rất dễ/Dễ/Bình thường/Khó/Rất khó, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, tỷ lệ DN đánh giá các thủ tục ở mức bình thường khoảng 60-70%; tỷ lệ DN đánh giá các thủ tục ở mức dễ thực hiện khoảng 15-27%; tỷ lệ DN cho biết bị phân biệt đối xử khi không chi những chi phí không chính thức khoảng 15%, giảm gần một nửa so với cách đây 3 năm.
Kết quả khảo sát năm 2018 cũng cho thấy mức độ hài lòng của cộng đồng DN với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết nội dung khảo sát so với năm 2015. Tuy nhiên, còn nhiều việc ngành hải quan cần tích cực triển khai trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, tỷ lệ DN đánh giá các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở mức bình thường khoảng 60-70%; tỷ lệ DN đánh giá các thủ tục ở mức dễ thực hiện khoảng 15-27%; tỷ lệ DN cho biết bị phân biệt đối xử khi không chi những chi phí không chính thức khoảng 15%... |
Chẳng hạn, quá trình thực hiện các thủ tục XNK cần tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Lưu ý rằng, việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin là yêu cầu rất quan trọng. Cần bắt buộc mọi thủ tục hành chính XNK phải được thực hiện triệt để trên nền tảng công nghệ thông tin, không nên chờ đợi sự tự nguyện của các cơ quan Nhà nước như vừa qua. Hiện nay, hầu hết các bộ quản lý chuyên ngành mới áp dụng thủ tục điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia ở mức bán thủ công, chỉ có tỷ lệ nhỏ số thủ tục qua đây, dẫn đến tình trạng dù đã thực hiện khai báo điện tử, DN vẫn phải nộp hồ sơ giấy.
Điều tôi muốn nhắn nhủ với ngành hải quan là phải tiếp tục làm hài lòng DN hơn nữa để lấy đó làm điểm tựa đẩy mạnh cải cách hướng tới hoàn thiện, phải thực hiện cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cao hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành hải quan cần thực hiện quản lý rủi ro trong XNK hàng hóa, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động XNK.
Bà Trần Hoàng Yến - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO): Còn nhiều quy định bất cập
Thời gian qua, đã có không ít thủ tục hải quan chồng chéo, rườm rà, phức tạp đã được cải cách, đơn giản hóa hoặc xóa bỏ, tạo điều kiện cho DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hơn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK.
Về đánh giá chung, theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật thuế - hải quan còn chậm so với tiến độ đề ra, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa thực sự cải cách mạnh mẽ, còn là rào cản gây khó khăn, tốn kém chi phí cho DN. Hệ thống thông quan tự động vẫn chưa kết nối được với cơ chế một cửa ASEAN - một cửa quốc gia. Một số công chức hải quan, cơ quan hải quan một số địa phương vẫn còn gây phiền nhiễu cho DN, tạo ra những rào cản không đáng có cho hoạt động XNK. Vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây khó cho DN.
Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) quy định tỷ lệ 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu được miễn thuế NK, áp dụng với cả phế liệu, phụ phẩm. Ngành thủy sản có lượng phế liệu, phụ phẩm luôn rất cao, thường chiếm 20-50% tổng lượng nguyên liệu NK, tùy theo từng mặt hàng. Nhưng không bao giờ các DN thủy sản được hưởng chế độ miễn thuế này.
Về nộp thuế, từ giữa năm 2018 đến nay, một số thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt DN phải nộp cho hải quan, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì nộp cho cơ quan thuế địa phương. Như vậy, DN thủy sản phải nộp thuế tại hai cơ quan thuế, làm gia tăng thêm thủ tục hành chính, gây phức tạp cho công tác quản lý thuế. VASEP kiến nghị nên quy về một mối - cơ quan thuế nội địa, để tiện lợi hơn cho cả cơ quan thuế và DN.
Thực hiện khai báo thủ tục hải quan (ảnh minh họa) |
Một bất cập nữa, trước đây DN đăng ký tờ khai hải quan tại Cục Hải quan địa phương nơi DN đặt nhà máy, sau đó làm văn bản đề nghị Cục Hải quan chuyển Chi cục Hải quan tại cảng XK thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa hộ. Tuy nhiên, gần đây các Chi cục Hải quan từ chối kiểm tra thực tế hàng hóa hộ. Như vậy rất khó cho DN thủy sản. Bởi thông thường, thành phẩm của các DN sản xuất đều tập kết tại các kho ở TP Hồ Chí Minh và XK tại các cảng Cát Lái, Cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT)… Thậm chí một số trường hợp, các lô hàng xuất đi các thị trường có yêu cầu chiếu xạ 100% (như thị trường Mỹ), DN phải tập kết hàng tại các kho lạnh ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh do chỉ có 2 nơi này có cơ sở chiếu xạ. Nhưng do không còn được kiểm tra hộ như trước nên sau khi tập kết thành phẩm tại TP Hồ Chí Minh, DN lại phải đưa hàng trở lại địa phương để làm thủ tục khai báo hải quan sau đó đưa hàng về lại TP Hồ Chí Minh để XK, tốn kém thêm nhiều thời gian và chi phí cho DN
Hiểu rõ điều đó, ngày 11/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Bộ Tài chính, trong đó đề xuất Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu, cho phép làm kiểm hóa hộ như trước, tạo điều kiện cho DN. Nhưng đến nay, ngành hải quan vẫn chưa có văn bản cho phép tiếp tục thực hiện việc kiểm hóa hộ hàng XNK.
Một vấn đề đáng quan tâm, trong khi các ngành được hưởng quy định quản lý rủi ro, giảm kiểm tra chuyên ngành khi NK hàng hóa, nhưng ngành thủy sản bị kiểm tra tất cả các lô hàng, dẫn đến việc NK của DN kéo dài, làm giảm chất lượng hàng hóa và tăng chi phí.
Chúng tôi mong muốn Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để hoàn thiện công tác hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thủy sản XNK hàng hóa.
PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA): Cần hoàn thiện, minh bạch mã HS
Là hiệp hội ngành nghề, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều phản ánh của các DN sữa, trong đó có ý kiến tích cực về những cải cách thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm NK, XK quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (ngày 2/2/2018, quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm) đã được đơn giản hóa giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi, DN phát triển bền vững… Nhưng cũng có không ít những phản ánh tiêu cực về các tồn tại trong thủ tục hải quan hiện nay.
Ví dụ: Trong quá trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm XNK, một số cơ quan hải quan chưa thực thi đúng quy định, đặc biệt trong áp dụng phương thức kiểm tra. Điều 17 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định: Việc kiểm tra giảm áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng thuộc một trong các trường hợp: Đã có 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu NK theo phương thức kiểm tra thông thường; được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng được Nhà nước công nhận như GMP, ISO 22000, HACCP, FSSC 22000 hoặc tương đương. Tuy nhiên, quy định này chưa được cơ quan hải quan ở một số tỉnh, thành phố thực hiện. Nhiều lô hàng thực phẩm NK đủ điều kiện để áp dụng phương thức kiểm tra giảm nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu DN thực hiện kiểm tra theo theo phương thức thông thường cho tới khi có hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan. Do vậy, nhiều lô hàng NK đã mất cơ hội chuyển sang thực hiện phương thức kiểm tra giảm áp dụng làm mất thời gian, chi phí của DN.
Vẫn nằm trong phương thức kiểm tra giảm, có quy định kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng NK trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan tự lựa chọn ngẫu nhiên. Nhưng thực tế một số cơ quan hải quan địa phương rất lúng túng, thậm chí không xác định được 5% lô hàng, làm cho thời gian kiểm tra bị kéo dài, gây thiệt hại cho DN một cách gián tiếp.
Điểm cuối cùng mà tôi muốn nói đến là mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa buôn bán trên toàn thế giới theo hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành có tên là Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa). Có những sản phẩm của ngành sữa, cùng là cơ quan hải quan, nhưng có khi các bộ phận kiểm tra đánh giá khác nhau, bộ phận này cho sản phẩm là thuộc mã HS này, nhưng bộ phận kia cho là phải thuộc mã HS kia, khiến DN phải chờ đợi, thực hiện thêm các thủ tục… Bởi vậy, theo tôi, ngành hải quan cần sớm hoàn thiện, minh bạch mã HS, tránh chồng chéo các thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành, hạn chế sự phiền hà cho DN.
TS Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):Thuế nguyên phụ liệu dệt may thiếu công bằng
Theo tôi, việc tính thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu dệt may NK vẫn bộc lộ sự thiếu công bằng. Cụ thể, VITAS đã gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan kiến nghị về việc DN nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất kinh doanh, khi không đủ năng lực sản xuất mới chuyển nguyên phụ liệu sang gia công ở DN khác thì không được miễn thuế. Trong khi đó, những đơn hàng gia công lại được miễn thuế. Như vậy là thiếu công bằng giữa các DN nhận đơn hàng gia công và các DN nhập nguyên phụ liệu về để gia công. Chúng tôi đã kiến nghị xử lý bất cập này từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thấy có chuyển biến
Một vấn đề khác mà các DN ngành dệt may vẫn đang băn khoăn, đó là tình trạng cộng các loại phí vận tải biển (phí CIC/EIS), phí vệ sinh container, phí chứng từ (DO)… vào giá trị hàng hóa nhập khẩu để tính thuế, trong khi đây là các loại phí phát sinh sau khi hàng đã cập cảng, tức là sau khi NK, cho nên không thể tính thuế theo phương thức như vậy. Đã vậy, khi kiểm tra, thanh tra, cơ quan hải quan còn truy thu, phạt nếu DN chưa nộp các loại phí này. Các DN dệt may cho rằng như vậy là bất cập, làm DN bất an, khó yên tâm sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành tài chính năm 2018 diễn ra chiều 9/1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn còn tình trạng kẹp phong bì để giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực thuế, hải quan. Dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy chi phí bôi trơn trong lĩnh vực hải quan đã giảm xuống còn 53% số DN được khảo sát, nhưng theo Thủ tướng, đây vẫn là tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh trong ngành tài chính còn chậm, mới đạt 30% yêu cầu. Việc giải quyết khó khăn của DN chưa đi vào thực chất. Các cuộc thanh tra của ngành tài chính hiệu quả còn khiêm tốn so với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ. |