Nghị định 113: Doanh nghiệp điêu đứng, hải quan gặp khó khăn

Thời gian cập nhật: 27/12/2019

Nghị quyết 19 của Chính phủ trong các năm 2015, 2016, 2017 đều nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp điêu đứng vì Nghị định 113

Song, có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực cải cách, vẫn còn không ít quy định đang gây khó cho doanh nghiệp.

Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất mới có hiệu lực từ ngày 25/11 vừa qua nhưng đã làm cho không ít doanh nghiệp điêu đứng.

Có mặt tại Chi cục Hải quan Cát Lái để làm thủ tục thông quan cho lô hàng mực photocopy vừa về tới cảng, ông Bùi Đỗ Tâm ​- phụ trách phòng xuất nhập khẩu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại - Sản xuất Tùng Vĩ (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) không khỏi ngỡ ngàng khi cán bộ hải quan cho biết lô hàng chưa thể làm thủ tục thông quan vì Nghị định 113 nào đó mà ông không hề hay biết.

“Thực ra tôi nhập mười mấy năm nay rồi mà tự dưng hôm nay tôi bị ách lại chỗ này nên tôi rất thắc mắc. Tôi là người phụ trách mảng này của Công ty, Công ty cũng không báo gì hết. Tôi có làm việc với giám đốc từ sáng, giám đốc cũng không có ý kiến gì, còn hỏi sao lạ vậy,” ông Tâm phân trần.

Tùng Vĩ là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối mực sử dụng cho máy photocopy của Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, độc quyền nhập khẩu và phân phối sản phẩm mực in của Nhà máy Trend Tone Imaging, Inc (Đài Loan).

Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này nhập từ 1-2 container hàng, tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Lô hàng gồm hơn 5.000 túi mực bị ách lại tại cảng Cát Lái này được nhập trực tiếp từ Nhà máy Trend Tone Imaging, Inc, thông qua cảng Keelung và được chứng nhận xuất xứ bởi Phòng Thương mại Đài Loan.

Ông Tâm cho biết đây là mực in máy tính, máy photocopy văn phòng, không mùi, khác với các loại mực in khác. Nhà sản xuất đã khẳng định đạt tiêu chuẩn quốc tế, có giấy chứng nhận công bố đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các nước, không độc hại cho người sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường và đầy đủ giấy tờ minh chứng do chính quyền Đài Loan cấp.

Khi biết lô hàng bị ách lại, Công ty Tùng Vĩ đã liên hệ ngay với nhà sản xuất để được cung cấp các giấy tờ liên quan, trong đó có bảng phân tích rõ thành phần hóa chất có trong mực in. Tuy nhiên, các giấy tờ này lại không là cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan.

“Giờ tôi đưa công bố tiêu chuẩn của nhà máy cấp cho các khách hàng của mình trên toàn thế giới ra mà hải quan nói không dám công nhận. Tôi không biết làm sao,” ông Tâm bày tỏ.

Điều khiến ông thấy bế tắc nhất là thậm chí cả hải quan cũng không biết phải hướng dẫn doanh nghiệp phân tích cái gì. Ông cũng muốn đi phân tích hóa chất sử dụng trong mực in cho rõ ràng.

“Tôi sẵn sàng cung cấp chứng từ cho cơ quan giám định vì người ta sẽ đưa ra trong lô hàng này có những chất gì để cơ quan giám định tìm dễ hơn,” ông Tâm nói.

Sốt ruột, lo ngại lô hàng phơi nắng sẽ bị vón cục, không sử dụng được, ông Bùi Đỗ Tâm đề nghị cơ quan Hải quan trong khi chờ làm đầy đủ thủ tục thông quan, cho phép doanh nghiệp mang hàng về kho bảo quản của Công ty và cam kết bảo quản hàng hóa, nếu mang hàng ra thị trường tiêu thụ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ tái xuất.

Tuy nhiên, đề xuất này của ông không được chấp nhận. Một cán bộ hải quan lý giải rằng hàng hóa chỉ được mang về bảo quản để chờ kiểm tra chất lượng nhà nước, còn lô hàng mực in của công ty ông đang chờ kiểm tra để cấp giấy phép nên phải lưu tại cảng, không thuộc diện mang về bảo quản, nếu không được cấp phép sẽ không được tái xuất mà phải lập biên bản vi phạm.

Theo ông Tâm, lô hàng trị giá 40.000 USD có thể bị mất trắng, đó là chưa kể đến 156 triệu đồng tiền thuế Tùng Vĩ đã nộp trước khi làm thủ tục hải quan. Việc bắt doanh nghiệp phải chịu thiệt hại như vậy là rất vô lý.

“Nhà nước muốn ra văn bản thì phải cho tất cả các doanh nghiệp rõ tiêu chí về tên hàng để biết, nhập đúng tên hàng, tôi sẽ xin giấy tờ ở bên nước ngoài để làm cơ sở, nếu Việt Nam cảm thấy nghi ngờ có thể giới thiệu cho tôi đi giám định lại có đúng như vậy,” ông Tâm nói.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Bùi Đỗ Tâm là anh Nguyễn Xuân Phẩm, Giám đốc Công ty Dịch vụ Nguyễn Xuân Phẩm (Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhận được tin 3 lô hàng gồm mực in và máy móc, thiết bị ngành in của Công ty đã về tới cảng Cát Lái chiều 27/11, ngay sáng hôm sau, anh Phẩm mang hồ sơ giấy tờ làm thủ tục thông quan nhưng không ngờ 2 lô hàng mực in bị ách lại vì vướng Nghị định 113.

Anh hết sức lo lắng vì thời điểm này, khách hàng của anh đang cần số lượng mực in lớn để thực hiện các hợp đồng in lịch, sổ, sách cho dịp Tết.

Anh Nguyễn Xuân Phẩm cho biết công ty chuyên cung cấp mực in và vật tư ngành in của hãng Sunshin (Trung Quốc).

Theo tờ khai, lô hàng này là mực dạng lỏng hiệu Mocu, dùng cho máy in phun. Trước đây, các sản phẩm này công ty anh nhập về bình thường bởi đã theo chuẩn ISO.

Nay theo Nghị định 113, lô hàng phải dừng lại để kiểm tra, cung cấp thành phần hóa học, tách các tiền chất mà muốn làm được điều này phải liên hệ với nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc để hàng tại cảng và lấy mẫu để kiểm tra, tách thành phần hóa học.

“Nghị định chưa có thông tư hướng dẫn mà đã áp dụng ngay như vậy rất phiền cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể xoay xở kịp. Chưa có hướng dẫn cụ thể phải tách tiền chất gì hoặc phải cung cấp chứng nhận thành phần hóa học như thế nào để doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu,” anh Phẩm nói.

Theo anh, cần có lộ trình cho doanh nghiệp biết trước ít nhất một tháng để chuẩn bị giấy tờ cho lô hàng đó, bởi hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài thường phải ký kết trước 1-2 tháng hàng hóa mới về tới cảng.

Chưa nói đến rủi ro có thể xảy ra khi hàng hóa phải lưu tại cảng, trong chế độ bảo quản không tốt, những thiệt hại trước mắt của Công ty Nguyễn Xuân Phẩm đã hiển hiện khi không thực hiện đúng tiến độ cam kết giao hàng cho khách, mỗi hợp đồng sẽ mất 20 triệu đồng tiền đặt cọc, bồi thường, cùng với phí lưu container, lưu bãi mỗi ngày 550 ngàn đồng và đối mặt với nguy cơ bị khách hàng hủy hợp đồng.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu mực in gặp vướng mắc khi thông quan cho các lô hàng mở tờ khai sau ngày Nghị định 113 có hiệu lực, mặt hàng mà trước đây các doanh nghiệp đều khẳng định thông quan rất nhanh chóng.

“Lô hàng phải đi giám định thì doanh nghiệp lại mất thời gian chờ kết quả giám định. Kết quả giám định nếu tiền chất ở mức phải xin giấy phép, doanh nghiệp lại phải đi xin thêm một giấy phép cho mặt hàng này. Như vậy, phải mất thêm nhiều thời gian, chi phí,” anh Đoàn Văn Minh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Thành Thất, Thành phố Hồ Chí Minh) than thở.

Không chỉ doanh nghiệp bế tắc mà ngay cán bộ hải quan cũng thấy vướng khi xử lý. Điều đáng nói là những bất cập của Nghị định này đã được cơ quan hải quan cảnh báo từ trước khi Nghị định có hiệu lực nhưng dường như những cảnh báo đó đều vô nghĩa...

Theo quy định tại khoản 1, Điều 13, Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất, các trường hợp được miễn trừ giấy phép xuất, nhập khẩu gồm hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.

Nhiều hàng hóa có chứa tiền chất

Chính quy định chung chung, định tính và quá rộng về hàng hóa chứa tiền chất này đã dẫn đến nhiều bất cập, gây bế tắc cho doanh nghiệp và gây khó cho cơ quan Hải quan.

Cơ quan Hải quan hiện đang thực hiện phân loại hàng hóa theo danh mục và mã số hàng hóa (HS). Để xác định được hàng hóa có chứa tiền chất, phải có danh mục và để biết đó là tiền chất gì thì phải qua kiểm nghiệm.

Đơn cử như mặt hàng mực in, cán bộ hải quan cũng chỉ biết một số mực in có chứa tiền chất, nhưng cũng không biết là loại mực in nào bởi có rất nhiều loại mực in pha nhiều thành phần, có loại có tiền chất, có loại không.

“Chúng tôi cũng nghe thông tin một số lô mực in có chứa tiền chất mà doanh nghiệp đã xin giấy phép nhập về nhưng không phải mực in nào cũng có. Vậy làm sao biết mực in nào có tiền chất, và những tài liệu mà doanh nghiệp xuất trình có phải cơ sở pháp lý để hải quan cho phép thông quan đối với những hàng hóa không chứa tiền chất hay không? Trong Nghị định không quy định về các loại giấy tờ chứng nhận, phân tích thành phần mà doanh nghiệp phải xuất trình để cơ quan hải quan có căn cứ xem xét,” một cán bộ hải quan cho hay.

Không riêng gì mực in mà rất nhiều loại hàng hóa khác cũng có thể bị ách lại với nghi ngờ có chứa tiền chất, bởi, trên thực tế, có rất nhiều mặt hàng chứa tiền chất.

Chẳng hạn, trong bình ắc quy chì có chứa axit sulfuric, trong các sản phẩm chống nắng thường có axit aminobenzoic. Chất axit acetic dùng làm dung môi hữu cơ, dược phẩm, cao su, sơn, thuốc nhuộm, thực phẩm, tẩy vải…

Acetone được sử dụng trong các chất tẩy rửa, dụng cụ làm sạch, dùng để pha sơn, vecni. Còn safrol hay safrole được sử dụng rộng rãi như là một loại phụ gia thực phẩm.

Axit phennylacetic là một loại hoocmon thực vật, được tìm thấy chủ yếu trong trái cây. Axit tartaric có trong nhiều loại thực vật, đặc biệt là nho, chuối, trong rượu vang, chất này còn được thêm vào các loại thực phẩm khác…

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan) các hàng hóa chứa tiền chất này không thuộc danh mục quản lý bằng giấy phép nên chỉ làm thủ tục bình thường tại các chi cục hải quan cửa khẩu. Trong các văn bản pháp quy liên quan, khái niệm hàng hóa chứa tiền chất không được định danh.

Bên cạnh đó, Điều 12 Nghị định 113 cũng chỉ quy định hồ sơ, thủ tục xin phép xuất nhập khẩu tiền chất mà không có quy định đối với hàng hóa chứa tiền chất, cơ quan cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất là Bộ Công Thương.

Nếu chiếu theo những loại hàng hóa như phân tích ở trên thì có thể thấy rất nhiều hàng hóa chứa tiền chất không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Công Thương.

"Tay sờ, mắt thấy, làm sao biết hàng hóa đó có tiền chất”

Do không có danh mục quản lý đối với hàng hóa chứa tiền chất và đa số hàng hóa chứa tiền chất không thể nhận biết bằng cảm quan hoặc các phương pháp thủ công đơn thuần nên việc yêu cầu phân tích giám định tràn lan là điều hiển hiện, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Nghị định 113, để xác định lượng a​xit sunfuric có trong bình ắc quy chì hoặc lượng axit acetic có trong dưa chuột muối, doanh nghiệp chắc chắn phải tiến hành giám định…

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, lường trước những bất cập khi Nghị định có hiệu lực thi hành, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo Tổng cục Hải quan và Tổng cục cũng đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về những bất cập này.

“Đúng như doanh nghiệp phản ứng, cơ quan Hải quan làm thủ tục, thậm chí có kiểm tra thực tế hàng hóa cũng chỉ tay sờ, mắt thấy, làm sao biết hàng hóa đó có tiền chất hay không. Phải qua phân tích, phân loại của các phòng thí nghiệm, phân chất ra mới biết trong hàng hóa có tiền chất hay không,” ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho hay.

Phó Cục trưởng này cũng cho rằng hàng hóa nào Hải quan cũng nghi ngờ, cũng đưa đi phân tích, phân loại thì thời gian, chi phí phát sinh cho doanh nghiệp vô cùng nhiều.

Nhưng “nếu Hải quan không làm, để doanh nghiệp đưa hàng hóa có chứa tiền chất vào trong nội địa, chiết ly tiền chất ra để làm chuyện nào đó, Hải quan có phải chịu trách nhiệm không?” ông Nghiệp đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, những vấn đề này phải được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, Hải quan chỉ là cơ quan thực thi, không phải là cơ quan soạn thảo và ban hành văn bản này nên nói Hải quan phải đề xuất, giải quyết ngay cho doanh nghiệp sẽ là làm khó cho cơ quan này.

Điều duy nhất ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng có thể làm được, đó là cùng với doanh nghiệp báo cáo với Tổng cục Hải quan và Chính phủ để tháo gỡ một số điểm nghẽn của Nghị định.

“Kiểm tra là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhưng kiểm tra như thế nào thì cần phải gỡ chỗ này. Chắc phải đợi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý. Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh trước mắt cũng sẽ cùng doanh nghiệp ghi nhận những vướng mắc và đề xuất cách thức để giải quyết”, ông Nghiệp nói.

Từ thực tế làm việc tại cửa khẩu, nhất là trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, phòng chống ma túy, ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm phát hiện nhiều vụ việc hàng hóa có tiền chất gửi đi các nước trong khu vực hoặc ngược lại, trong đó có nhiều loại tiền chất mới.

Do vậy, việc ban hành, cập nhật bổ sung các nghị định quy định về vấn đề quản lý hóa chất, trong đó có tiền chất là cần thiết. Danh mục tiền chất phải được bổ sung thường xuyên. Có trường hợp, khi cơ quan Hải quan, cơ quan Công an phát hiện ra rất khó xử lý bởi không có trong danh mục.

“Nhưng tôi cũng nghĩ rằng khi xây dựng nghị định này, bản thân Bộ Công Thương và Bộ Công an cũng phải trao đổi rõ ràng, cặn kẽ về mặt danh mục”, ông Nguyễn Xuân Bình nói. Tương tự như đề xuất của các doanh nghiệp, ông Bình cho rằng khi ban hành văn bản, phải có thời gian, có độ trễ để doanh nghiệp chuẩn bị, có tiêu chí để đi giám định, xác định, phương pháp giám định phải thuận lợi cho doanh nghiệp và chặt chẽ.

Nhiều ý kiến nhìn nhận cho dù hàng hóa có chứa tiền chất thì cũng cần phân định hàm lượng tiền chất trong hợp chất đó là bao nhiêu. Cần có phương pháp quản lý cho phù hợp, không thể quản lý mọi hàng hóa có tiền chất giống như quản lý tiền chất.

CÁC TIN BÀI KHÁC

Khách hàng của chúng tôi
MIXUE
PIZZA HUT
Phô Mai Monzelez Kinh Đô
TH
Coca Cola
Vissan
KYSI
RISEN
pizza4ps
Khách hàng 0
Hao Chi
Maza
supercleangloves
Khách hàng 2
Tràng An
ĐẠI HƯNG
Khách hàng 3
Khách hàng 4
Royal
GREEN FARMING
Ngôi Sao
MỸ CHÂU
The World
HƯNG THỊNH PHÁT
Thiện Bình
Thinh Long
HẢI HÀ
An Lanh
Danameco
HANVICO
BIỂN ĐÔNG
Khách hàng 1
Các tổ chức liên kết nhận chứng nhận
TQC
EMERGO
I3C
SGS
TÜV SÜD South Asia
PQI
BSI
UNICERT
BV
INTERTEK
UASL
0904.699.600