- Bình Dương hiện có gần 29.800 DN đầu tư trong nước, trong đó số lượng DNVVN chiếm tỷ lệ lớn. Vậy mục tiêu của dự án này đưa ra là gì, thưa ông?
- Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DNVVN tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020” là một trong những dự án, chương trình góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; góp phần nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng ít nhất 35% vào năm 2020. Bên cạnh đó, dự án tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh của DN; phát triển nguồn lực cần thiết để duy trì, đẩy mạnh, phát triển phong trào năng suất và chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN…
Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, Bình Dương sẽ có 52 sản phẩm được chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy, 20 DN xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 17025…, 9 DN áp dụng một số công cụ cải tiến năng suất và chất lượng phù hợp với DN (5S, Kaizen, nhóm chất lượng QCC, chỉ số đánh giá hoạt động chính KPI…), 16 DN được trao giải thưởng chất lượng quốc gia và giải châu Á - Thái Bình Dương.
Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TX.Dĩ An) đạt giải Vàng giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2015 và giải nhất giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Tôn Đông Á. Ảnh: C.T.V
- Thưa ông, đối với DN, ngoài việc sử dụng kinh phí một phần từ nguồn phát triển KHCN của DN, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là gì?
- Nhà nước sẽ hỗ trợ DN kinh phí trong việc tư vấn, chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy, với mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/sản phẩm; tư vấn xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hệ thống; hỗ trợ cho DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (đào tạo, tư vấn…) không quá 30 triệu đồng/công cụ, mỗi DN có thể được hỗ trợ áp dụng 4 công cụ với số tiền không quá 120 triệu đồng.
Nhà nước cũng thực hiện khen thưởng các DN đạt giải thưởng quốc gia, nếu giải vàng khen thưởng 20 triệu đồng/lần/DN; giải bạc khen thưởng 15 triệu đồng/lần/DN và khen thưởng 25 triệu đồng/lần/DN nếu đạt giải thưởng chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- Việc công nhận, chứng nhận các kết quả là rất quan trọng. Xin ông cho biết, công tác này sẽ được triển khai như thế nào?
- Để tạo sự bình đẳng, khách quan, Sở KHCN sẽ thành lập Hội đồng xét chọn và Hội đồng nghiệm thu trên cơ sở đăng ký tham gia dự án của DN và đề nghị của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, phân tích và đề xuất các DN tham gia dự án, đánh giá kết quả đạt được của dự án để Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng trình Sở KHCN phê duyệt. Hội đồng xét chọn và Hội đồng nghiệm thu có sự tham gia của các thành viên thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
- Thưa ông, để thực hiện hiệu quả dự án, những nội dung nào sẽ được triển khai?
- Các nội dung trọng tâm được triển khai gồm tổ chức các hội nghị, hội thảo để vận động, phổ biến cho các đối tượng tham gia về nội dung, chính sách hỗ trợ, cách thức tham gia dự án; tổ chức tập huấn cho 300-500 DN cách thức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, phương pháp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức đo lường năng suất các ngành kinh tế, chỉ số TFP của nền kinh tế tỉnh.
Bên cạnh đó, để tạo sức lan tỏa và tạo động lực cho các DN, tỉnh sẽ tôn vinh, khen thưởng các DN, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động năng suất, chất lượng, giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
- Xin cám ơn ông!