Năm câu hỏi pháp lý khi có sản phẩm mới

Thời gian cập nhật: 27/12/2019

Trước khi tung ra thị trường một sản phẩm hay dịch vụ mới, DN cần tìm hiểu các vấn đề về sở hữu trí tuệ nếu muốn sản phẩm có “lá chắn” an toàn ở góc độ pháp lý…

Trước khi tung ra thị trường một sản phẩm hay dịch vụ mới, có rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp cần tìm hiểu như phân khúc, tiếp thị, quảng cáo, cạnh tranh, chiến lược phân phối, kênh tiêu thụ… Song, các vấn đề về sở hữu trí tuệ là không thể thiếu nếu muốn sản phẩm có lá chắn an toàn trên bình diện pháp lý. Rất nhiều các vụ tranh chấp trên thực tế xảy ra liên quan đến việc xung đột quyền với bên thứ ba khi tung sản phẩm ra thị trường như mì Hảo Hạng với mì Hảo Hảo, dầu gội đầu EDENR với CLEAR…hay gần đây nhất là vụ quán phở Sướng bức xúc vì thương hiệu “phở Sương” của doanh nhân Khải Silk có thể gây nhầm lẫn. 5 câu hỏi sở hữu trí tuệ dưới đây sẽ giúp doanh chủ tìm thấy hành lang an toàn cho sản phẩm trước khi tung ra thị trường:

  1. Có cần đăng ký bảo hộ cho tên sản phẩm hay không?

Tên sản phẩm chỉ là một trong số rất nhiều các chỉ dẫn thương mại, thông thường nó không được bảo hộ độc quyền. Ví dụ, cút chiên bơ, bánh tráng trộn, cơm tấm bao tử…Song tên sản phẩm này nếu được thiết kế cách điệu kèm theo các dấu hiệu khác giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, thì có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu. Chẳng hạn như nếu để “SỮA VIỆT NAM” cho mặt hàng sữa thì khó có khả năng bảo hộ. Nhưng nếu viết tắt thành “VINAMILK” hoặc đi kèm các hình ảnh tạo điểm khác biệt sẽ được bảo hộ. Do vậy, khi khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp không nên đặt tên sản phẩm làm thương hiệu mà hãy đặt cho sản phẩm của mình một nhãn hiệu riêng và đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu đó. Có như vậy mới tạo được sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại và tạo “vùng ghi nhớ” cho khách hàng.

  1. Kiểu dáng có quan trọng với sản phẩm đó không?

Đối với một số mặt hàng trong lĩnh vực thời trang hoặc tiêu dùng, kiểu dáng là một trong những yếu tố thúc đẩy hành vi mua của khách hàng. Nếu như doanh nghiệp bạn không chú trọng yếu tố thẩm mỹ, có thể không cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Nhưng nếu yếu tố kiểu dáng có thể giúp sản phẩm tạo lợi thế, hãy đăng ký bảo hộ để tránh bên thứ ba vi phạm. Cũng cần lưu ý là trước khi tạo dáng, hãy xem xét kiểu dáng đó có trùng hoặc tương tự với các kiểu dáng cùng loại đã có trước đây hay chưa, nếu không đối thủ cạnh tranh có thể khiếu nại hoặc kiện tụng khi doanh nghiệp tung sản phẩm có kiểu dáng tương tự kiểu dáng đã được bảo hộ của họ.

  1. Lưu ý gì về nhãn hàng hóa?

Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến các quy định về nhãn hàng hóa trước khi lưu thông tại Việt Nam, đặc biệt là đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, bắt buộc tất cả các loại hàng hóa đều phải ghi nhãn trước khi lưu thông, ngoại trừ hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng. Nếu đối tác nước ngoài nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp nội mà họ yêu cầu doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó của họ thì doanh nghiệp nội xuất khẩu hàng hoá được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này. Nhưng không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu. Việc ghi nhãn hàng hóa lên sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung và hình thức theo luật định.

  1. Có yếu tố kỹ thuật nào chứa đựng trong sản phẩm đó không?

Rất nhiều những mặt hàng công nghệ hay gia dụng chứa đựng rất nhiều yếu tố kỹ thuật trong đó mà nhà sản xuất đã dày công nghiên cứu để ứng dụng trong kinh doanh. Các yếu tố kỹ thuật này có thể là một giải pháp hữu ích giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng sản phẩm. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn chứa các tính năng vượt trội với trình độ sáng tạo cao và có thể được xem xét dưới danh nghĩa sáng chế. Song, nhiều doanh nghiệp đã vội vàng giới thiệu sản phẩm, giới thiệu các tính năng mới này ra công chúng mà chưa nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trước đó. Điều này dẫn đến hệ quả là, khi nộp đơn, chủ sở hữu không đạt được yêu cầu về tính mới của đối tượng do đã bị bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn. Do vậy, trước khi công bố một sản phẩm có chứa đựng các yếu tố kỹ thuật, chủ sở hữu hoặc nhà sản xuất cần nghĩ ngay đến phương án bảo hộ các yếu tố này.

  1. Có cần chú trọng bảo hộ bao bì sản phẩm?

Đối với một số mặt hàng thực phẩm như sôcôla, trái cây sấy khô, trà, mì gói…thì bao bì là thành tố quan trọng bởi người tiêu dùng rất hay tìm hiểu các thông tin trước khi sử dụng. Do vậy chủ sở hữu cần hiểu được các thông số nào sẽ thể hiện trên bao bì, khía cạnh sở hữu trí tuệ gọi là các chỉ dẫn thương mại bổ sung. Các chỉ dẫn thương mại bổ sung như họa tiết, hoa văn, slogan, tên miền v.v…góp phần không nhỏ tác động đến tâm trí của người tiêu dùng để họ biết và nhớ về sản phẩm. Lẽ vậy mà bên cạnh việc làm nổi bật các yếu tố chính như nhãn hiệu, biểu tượng kinh doanh, doanh nghiệp cần biết cách thể hiện khéo léo các chỉ dẫn thương mại này lên sản phẩm, để người tiêu dùng hình dung và hiểu hơn về mặt hàng. Việc bảo hộ toàn bộ thiết kế bao bì dưới dạng kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu hay bản quyền tác giả là giải pháp khôn ngoan để tránh trường hợp tranh chấp trên thực tế

CÁC TIN BÀI KHÁC

Khách hàng của chúng tôi
MIXUE
PIZZA HUT
Phô Mai Monzelez Kinh Đô
TH
Coca Cola
Vissan
KYSI
RISEN
pizza4ps
Khách hàng 0
Hao Chi
Maza
supercleangloves
Khách hàng 2
Tràng An
ĐẠI HƯNG
Khách hàng 3
Khách hàng 4
Royal
GREEN FARMING
Ngôi Sao
MỸ CHÂU
The World
HƯNG THỊNH PHÁT
Thiện Bình
Thinh Long
HẢI HÀ
An Lanh
Danameco
HANVICO
BIỂN ĐÔNG
Khách hàng 1
Các tổ chức liên kết nhận chứng nhận
TQC
EMERGO
I3C
SGS
TÜV SÜD South Asia
PQI
BSI
UNICERT
BV
INTERTEK
UASL
0904.699.600