Nông dân phấn khởi
Ông Nguyên Văn Hon, một nông dân ở TT.Hưng Lợi (H.Thạnh Trị), cho biết hơn 10 năm qua, hàng ngàn hộ dân ở đây chuyên trồng lúa Tài Nguyên. Giống lúa này có nhiều ưu điểm: chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, giá bán cao gấp 1,2 - 2 lần các giống lúa chất lượng cao khác. Mỗi năm lúa Tài Nguyên chỉ sản xuất được một vụ (vụ đông xuân), sản lượng lúa sau thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại, lúa Tài Nguyên được thương lái mua từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, gạo Tài Nguyên bình quân 16.000 đồng/kg. Chi phí sản xuất giống lúa này khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha, sau thu hoạch, nông dân lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha.
Ông Lý Khoa, tiểu thương ở TT.Hưng Lợi, chia sẻ: “Tôi kinh doanh gạo Tài Nguyên nhiều năm qua. Loại gạo này được bán nhiều nhất ở địa bàn các tỉnh, thành Long An, Cần Thơ, TP.HN… Việc gạo Tài Nguyên được Cục
Sở hữu trí tuệ công nhận
nhãn hiệu độc quyền càng khiến bà con an tâm sản xuất. Chúng tôi sẽ là cầu nối để đưa hạt gạo đặc sản của quê hương mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn
Ông Nguyễn Văn Sô, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thạnh Trị, cho biết giống lúa Tài Nguyên có phẩm chất gạo ngon, cơm mềm, xốp, thậm chí để nguội vẫn mềm cơm nên được rất nhiều người ưa chuộng. Giống có khả năng chống chịu phèn mặn, rầy nâu và đạo ôn... năng suất trung bình 7 tấn/ha, có nơi trên 8 tấn/ha.
Cũng theo ông Sô, H.Thạnh Trị đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đồng thời triển khai thực hiện Dự án tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu gạo Tài Nguyên. Qua thời gian phấn đấu tạo lập nhãn hiệu, gạo Tài Nguyên đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Đây là niềm vui, có ý nghĩa to lớn và tự hào của người dân trong huyện. Từ đây, hạt gạo Tài Nguyên do người dân sản xuất đã chính thức trở thành nhãn hiệu có uy tín trên thị trường.
Ông Mai Thanh Ngon, Chủ tịch UBND H.Thạnh Trị, cho biết giống lúa Tài Nguyên Thạnh Trị đang được duy trì phát triển trên 6.500 ha/năm theo quy trình cánh đồng mẫu lớn. Sản lượng lúa hàng hóa cung ứng cho thị trường trên 45.500 tấn/năm và được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Đây là vùng nguyên liệu lúa Tài Nguyên lớn nhất ĐBSCL. Thời gian qua, giống lúa Tài Nguyên đã được ngành nông nghiệp Sóc Trăng phối hợp Viện lúa ĐBSCL phục tráng. Qua 3 năm tiến hành phục tráng, Viện đã chuyển giao 45 dòng giống lúa Tài Nguyên cho H.Thạnh Trị tiếp tục sản xuất để duy trì giống gốc và sản xuất giống tại địa phương.
Từ năm 2014, UBND H.Thạnh Trị phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng thực hiện Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”; khảo sát và quy hoạch vùng đất sản xuất, lưu giữ và bảo tồn giống gốc lúa Tài Nguyên và tiến hành
đăng ký nhãn hiệu và
thương hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”. Hiện UBND H.Thạnh Trị đã phê duyệt quy hoạch khu vực trồng giống lúa Tài Nguyên tại 7 xã, thị trấn gồm: Thạnh Trị, Châu Hưng, Tuân Tức, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, TT.Phú Lộc và Hưng Lợi.
Từ thành quả trên, H.Thạnh Trị đã quy hoạch phát triển lúa đặc sản Tài Nguyên đến năm 2020 với diện tích 6.500 - 7.000 ha; đồng thời ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm toàn bộ diện tích. “Để giữ vững nhãn hiệu chứng nhận, địa phương đã và đang tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển diện tích lúa đặc sản và sản xuất đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao nhằm đảm bảo
chất lượng sản phẩm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, vận động bà con ổn định sản xuất lúa chất lượng cao và theo hướng cánh đồng mẫu lớn”, ông Ngon nói.