Ngày 20/7, tại TP Cần Thơ, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn chính
sách thương mại với chủ đề “Quy định về chất lượng và
an toàn thực phẩm – Tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu”. Diễn đàn này là hoạt động trong khuôn khổ dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp triển khai theo phương thức Quốc gia điều hành.
Các diễn giả trả lời câu hỏi của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, Bộ Công thương cho rằng: “Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều trở ngại do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của các thị trường
nhập khẩu. Để đáp ứng được những tiêu chí của thị trường cũng như những tiêu chuẩn riêng của từng nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần trang bị những kiến thức thị trường và không ngừng cải tiến, nâng cao
chất lượng sản phẩm trong quá trình phát triển sản phẩm. Việc áp dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ giúp doanh nghiệp xuất khẩu thành công mà còn góp phần xây dựng hình ảnh và
thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Ông Claudio Dordi, Tư vấn Trưởng dự án EU- MuTrap cho biết: “EU là khu vực nhập khẩu nhiều sản phẩm
nông sản của nhiều nước khác nhau, đặc biệt là hàng thuỷ sản. Đây cũng là thị trường đã từ chối nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn EU. Đặc biệt, nếu sản phẩm bị phát hiện không an toàn về vệ sinh, thực phẩm sẽ bị tiêu huỷ ngay tại cửa khẩu. Thực tế, việc nhập khẩu nông sản của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chiếm tỉ trọng chỉ 1,8% và đa số từ những sản phẩm thô, có giá trị thấp, phần lớn là
cà phê, chè, thuỷ hải sản, trái cây, còn các sản phẩm ngũ cốc,
sản phẩm từ sữa, rau,
thịt vẫn chiếm tỉ trọng rất thấp”. Hay để vào được thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với nhiều mặt hàng quan trọng như gạo, thuỷ sản, cà phê, hồ tiêu, trái cây... các sản phẩm phải trải qua nhiều
tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật khắt khe của đối tác. Ngoài việc xin cấp phép từ Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các DN còn phải vượt qua một loạt các “hàng rào” nguyên tắc.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại diễn đàn.
Trong đó, nguyên tắc quan trọng trong quy định an toàn thực phẩm là “phân tích mối nguy” về việc tuân thủ quy trình
HACCP của nhà nhâp khẩu và đơn vị xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Úc cũng đã yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch khi nhập khẩu vào thị trường của họ (mặt hàng tôm) đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Dù kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng chủ yếu là do tăng giá.Tại diễn đàn này, các khách mời cũng tập trung bàn về phát triển sản phẩm xuất khẩu của vùng ĐBSCL. Bà Đặng Thanh Vân, chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu đã tư vấn cho các thành viên nhóm công tác về xác định nhu cầu
xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, như con tôm, cá tra, cá basa, lúa gạo, nông sản xuất khẩu trái cây…Đồng thời nhấn mạnh thời gian tới doanh nghiệp vùng ĐBSCL phải làm sao tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới và xây dựng được những thương hiệu mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, Bộ Công thương cho rằng, các nội dung và khuyến nghị từ Diễn đàn sẽ là cơ sở khoa học cho các cơ quan xây dựng chính sách về chất lượng và an toàn thực phẩm tham khảo. Đặc biệt, các đại biểu đến từ các khu vực công, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại có cơ hội tìm hiểu và cập nhật các thông tin liên quan. Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, nhóm tư vấn đã tập trung hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các tổ chức Xúc tiến thương mại địa phương các bước xây dựng chiến lược thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp