Đó là một trong những nội dung được GS.TS Lưu Duẩn, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cùng TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm, TPHN đặt ra trong buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại Sở Y tế, TPHN.
42% phụ gia không đạt chuẩn
Theo báo cáo từ BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHN, trong 2 năm 2015 và 2016 các đơn vị liên quan đã lấy 927 mẫu phụ gia thực phẩm được kinh doanh, sử dụng tại các cơ sở thì chỉ có 58,8% mẫu đạt, số còn lại không đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
GS Lưu Duẩn cho rằng, đây chỉ là con số mang tính thống kê, trên thực tế cơ quan quản lý nhà nước chưa đánh giá hết những nguy hại cũng như tác động đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng phải 42,2% mẫu phụ gia thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định.
Giáo sư Lưu Duẩn đánh giá: Hiện công tác quản lý nhà nước đang bỏ lọt khâu quan trọng trong kiểm soát đầu ra của sản phẩm hóa chất, phụ gia, không nắm được các loại chất này được sử dụng làm gì, có đúng mục đích hay không. Ông đề nghị, ngoài việc kiểm soát nguồn gốc, số lượng, chất lượng sản phẩm nhập vào cơ quan quản lý cần phải quy định rõ điều kiện được phép mua đối với tổ chức, cá nhân. Theo đó, đơn vị nào mua hóa chất, phụ gia thực phẩm phải chứng minh được mua hóa chất, phụ gia để sử dụng cho mục đích gì. Việc mua bán các loại chất trên phải thực hiện như hình thức mua thuốc theo đơn của bác sĩ.
Cùng quan điểm với GS Lưu Duẩn, TS Thế Đồng cho rằng, muốn hạn chế đến mức tối đa những nguy hại do việc sử dụng hóa chất, phụ gia một cách vô tội vạ, cơ quan quản lý nhà nước cần phải quy định chặt chẽ hơn trong quản lý cả số lượng, chất lượng và việc sử dụng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
Trên thực tế, tại “chợ mua bán thần chết” - Kim Biên, hóa chất và phụ gia thực phẩm hiện vẫn được bán chung. Kiểm tra thực tế của Sở Y tế thành phố phát hiện mỗi cơ sở kinh doanh tại đây còn là một nhà pha chế điêu luyện trên cơ sở kết hợp các hóa chất và phụ gia khác nhau đáp ứng yêu cầu của khách hàng (quy định chỉ được mua bán nguyên đai, nguyên kiện không được pha chế), lực lượng thanh tra không nắm được kho hóa chất của các hộ kinh doanh đặt ở đâu, không truy xuất được nguồn gốc, số lượng, chủng loại...
Dù UBND thành phố đã lập đề án về việc kinh doanh buôn bán hóa chất và phụ gia thực phẩm sẽ phải tách biệt, nhưng cuối năm 2017 đề án trên mới chính thức có hiệu lực.
Quy trách nhiệm cho người bán
Để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng Nhân dân Thành phố), kiêm Phó Trưởng đoàn Giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về an toàn thực phẩm đối với những đơn vị liên quan trên toàn địa bàn.
Bà Tuyết Nhung cho rằng: “Chỉ có người mua mới bị nhầm chứ người bán không thể nhầm. Vì vậy, nên quy trách nhiệm cho các tiểu thương buôn bán những mặt hàng liên quan đến thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm nếu để xảy ra tình trạng buôn bán những mặt hàng không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Trước kiến nghị của các chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm, bà Tuyết Nhung cho biết sẽ đề xuất các cấp quản lý xem xét và có lộ trình thực hiện theo quy định (nếu khả thi). “Tôi cho rằng, Ban quản lý các chợ sẽ làm tốt nhiệm vụ này trên cơ sở yêu cầu tiểu thương kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm đề nghị khách hàng chứng minh mục đích mua sản phẩm. Cơ sở kinh doanh phải biết mình bán cho ai, người mua sử dụng như thế nào, sử dụng vào mục đích gì, tuyệt đối không bán cho những người không chứng minh được mục đích sử dụng”