Tại buổi họp báo giới thiệu về lễ công bố HVNCLC năm 2017 sắp được tổ chức vừa diễn ra hôm nay, 22-2 tại TPHN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, bộ tiêu chuẩn đầu tiên được xây dựng cho ngành thực phẩm sẽ xác lập hàng loạt tiêu chí để doanh nghiệp trong ngành tự nguyện tuân thủ.
Đầu tiên, điều kiện cần là doanh nghiệp phải sản xuất hợp pháp, tức đảm bảo các quy định của pháp luật về sản xuất.
Thứ hai, quan trọng nhất là phải đáp ứng các điều kiện về chất lượng bằng các chỉ tiêu cụ thể cho từng mặt hàng (chẳng hạn như động vật đã qua chế biến, chưa qua chế biến…).
Và yêu cầu thứ ba là phải có tính cạnh tranh, thể hiện ở việc đã được người tiêu dùng bình chọn hàng VNCLC.
Khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí kể trên, doanh nghiệp sẽ được Hội Doanh nghiệp HVNCLC xác nhận bằng việc được gắn logo bộ tiêu chuẩn trên sản phẩm để có thể nâng tầm thương hiệu khi bán trên thị trường trong nước lẫn nước ngoài.
Cũng theo đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên những quy chuẩn chất lượng của Nhà nước, có tham chiếu những tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật… và được cơ quan quản lý công nhận. Bộ tiêu chí này cũng sẽ thường xuyên được cập nhật để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Người tiêu dùng sẽ đóng vai trò giám sát việc thực thi, tuân thủ của các doanh nghiệp bên cạnh đơn vị thực hiện. Doanh nghiệp cũng phải kiểm định sản phẩm hàng hóa định kỳ hàng năm và báo cáo. Khi có khiếu nại về chất lượng sản phẩm, cơ quan nhà nước ở lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ là trọng tài quyết định.
Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng vừa công bố qua đợt điều tra, khảo sát người tiêu dùng trên khắp cả nước kéo dài 4 tháng, phát 16.000 phiếu đồng thời sàng lọc, xác minh từ phía cơ quan quản lý, hồ sơ của doanh nghiệp, đơn vị này đã chứng nhận cho 592 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC năm 2017.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đang thành lập bộ phận pháp lý để theo dõi các khiếu nại về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận HVNCLC nhằm xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn các “sự cố” nếu có.
Bên cạnh đó, hội này cũng có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp nhận thông tin phản hồi nhanh hơn.
Năm 2016, hội phải rút chứng nhận HVNCLC đã trao cho một doanh nghiệp thực phẩm vì doanh nghiệp này vi phạm về chất lượng sản phẩm, công bố sản phẩm có chứa bò nhưng thực tế lại là cá và trâu…
Người tiêu dùng vẫn chưa hài lòng về hàng Việt Nam Kết quả khảo sát của chương trình cho thấy, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hài lòng về chất lượng sản phẩm của hàng Việt Nam. Điều này thể hiện ở một số con số, luận điểm như lo ngại về thực phẩm không an toàn, tỷ lệ mua hàng Việt đạt 92% nhưng mong muốn thực sự chỉ đạt 78%... Chuyên gia Hoàng Trọng, giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHN chia sẻ, những suy nghĩ này của người tiêu dùng cho thấy thị trường Việt Nam mới chỉ phát triển bề mặt, chưa phát triển bề sâu. Người tiêu dùng bất an về thực phẩm không an toàn và cố gắng tìm kiếm sản phẩm tốt hơn trong khi có những sản phẩm đã đảm bảo trên thị trường cho thấy họ mất lòng tin. Bên cạnh đó, các sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng… Điều đó buộc doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực hơn nữa. |