Mới đây, nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cộng đồng DN, các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ về vấn đề này, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 38/2012/NĐ-CP”.
Về những bất cập của Nghị định 38, Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP là bất cập lớn nhất, gây khó nhất cho DN.
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Thủ tục này đã được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, Nghị định 38/2012/NĐ-CP lại tiếp tục quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “giấy phép con", vừa trùng lặp, vừa buộc DN phải có thêm một lần xin cơ quan chức năng.
Cụ thể, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, DN phải gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, sau đó, DN công bố chất lượng sản phẩm. Tiếp theo, DN xin xác nhận công bố phù hợp ATTP tại Cục ATTP (Bộ Y tế), và cơ quan này mới cấp giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Ngay khâu xin xác nhận này, thời gian quy định là 1,5 tháng (đối với thực phẩm bổ sung), nhưng phần lớn thời gian kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 3 - 6 tháng. “Giấy phép con” là đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay”, Phó Tổng Thư ký Nguyễn Hoài Nam nói.
Đồng thuận với quan điểm này, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn gay gắt: Theo quy định của Nghị định 38, DN đang phải “cõng” hàng chục giấy phép con vì phải đăng ký cả các nguyên liệu cùng với sản phẩm cuối cùng. Thí dụ, DN phải đi xin cho mỗi một loại nguyên liệu một giấy phép con, sau đó vẫn phải đi xin chứng nhận cho toàn bộ sản phẩm cuối cùng. Đó là điều không cần thiết và gây khó khăn cho DN.
Tại hội thảo, đại diện các DN nước ngoài cũng cho biết, hầu như không bạn hàng nào yêu cầu các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn như ở Việt Nam. Thay vào đó, các nước đẩy mạnh hậu kiểm, tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Tại Việt Nam, tất cả mọi chi phí cuối cùng sẽ đổ lên đầu DN, dồn vào giá thành, gây tăng chi phí cho DN và giá bán cho người tiêu dùng, đại diện hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) chỉ rõ, đã có DN mất gần nửa năm để xin phép dù cho sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ. Hơn thế nữa, Nghị định 38 nêu rõ, DN phải chịu trách nhiệm về những gì đã công bố thay vì Cục ATTP, vậy thì tại sao phải xin phép Cục để được cấp giấy?, đại diện Amcharm đặt câu hỏi.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN, rõ ràng, cần sửa đổi các quy định gây khó khăn cho DN trong lĩnh vực này. Phó Tổng Thư ký Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trong bối cảnh chưa có quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cần có giải pháp trước mắt để DN dễ hoạt động, người tiêu dùng dễ nhận biết và cơ quan quản lý cũng dễ kiểm tra. Cần phải bãi bỏ nhiều quy định trùng lặp, dễ tạo nên “mê cung”, tạo nên “bẫy quy định” cho DN.
Theo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội và DN, ai cũng hiểu việc quản lý ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, nếu không tháo gỡ những vướng mắc đã tồn tại khá lâu và phát sinh từ quá trình thực tiễn thì DN cũng không thể giảm được giá thành, tất cả đều đánh vào túi người tiêu dùng.
Do đó, cần thiết phải từng bước sửa đổi theo lộ trình để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, đồng thời tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, phiền hà của cơ quan chức năng đối với hoạt động trong lĩnh vực này