Mới đây, Bộ Y tế công bố đề xuất bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh.
Nhằm thực hiện chủ trương hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đồng thời phấn đấu vì các mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề xuất cắt giảm tới mức tối đa nhiều thủ tục hành chính trong đó có các quy định về công bố tiêu chuẩn thực phẩm đạt mức an toàn.
Doanh nghiệp họp hội, muốn tự công bố tiêu chuẩn an toàn cho thực phẩm của mình |
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các thủ tục hành chính Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ bãi bỏ thuộc các nội dung gồm: Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP).
Bộ Y tế đề xuất chỉ thực hiện việc kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với một số nhóm sản phẩm cụ thể như: sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng; đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu; được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…
Tức là sẽ có 95% các lô hàng nhập khẩu không cần kiểm tra hồ sơ. Đặc biệt, thời gian kiểm tra các sản phẩm thông thường, sẽ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày.
Với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, doanh nghiệp sẽ không cần làm các thủ tục công bố hợp quy mà được phép tự công bố, và gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.
Song, Cục ATTP khẳng định, dù cắt giảm nhiều thủ tục và thay đổi quan điểm trong quản lý, chất lượng và mức độ an toàn của thực phẩm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo đó, đối với những nhóm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước vẫn sẽ phải được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh.
Trước đó, đại diện nhiều doanh nghiệp của các nhóm thực phẩm như nước giải khát, sữa, phụ gia thực phẩm, chè, nước tương... ở trong nước và đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế và các cấp ngành liên quan về đề xuất tự công bố tiêu chuẩn cho thực phẩm của mình phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam cho phép.
Đại diện các nhóm doanh nghiệp cho rằng, thống kê những năm gần đây cho thấy đa số các vụ vi phạm và mất an toàn thực phẩm lớn đến từ các bếp ăn tập thể, các trường học, khu chế xuất... Còn các vi phạm của nhóm thực phẩm được bao gói sẵn thì rất ít xảy ra, nếu có cũng rất nhỏ nằm ở các sản phẩm làm giả làm nhái thương hiệu. Điều đó cho thấy mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm bao gói sẵn rất cao
Trong khi đó, Cục ATTP lại có cách thi hành luật trái ngược so với các cơ quan quản lý về thực phẩm trên thế giới khi vừa cấp phép việc doanh nghiệp có đạt tiêu chuẩn hay không, vừa kiểm tra và xử phạt các trường hợp doanh nghiệp vi phạm. Quy trình này tạo điều kiện cho vấn nạn phong bì, làm khó cho doanh nghiệp và làm giảm đánh giá sự hài lòng đối với cơ quan quản lý
Doanh nghiệp theo đó đề xuất Cục ATTP hoàn thiện Tiêu chuẩn, Quy chuẩn về thực phẩm an toàn, lấy đó làm căn cứ để Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình trong ngưỡng cho phép và cơ quan quản lý chỉ cần thực hiện công tác "hậu kiểm", tức là chỉ kiểm tra thị trường về chất lượng hàng hóa.
Việc Bộ Y tế đề xuất giảm các thủ tục hành chính về ATTP mới đây đã cho thấy phần nào sự lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp của cơ quan quản lý.
Đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, đề xuất giảm các thủ tục hành chính lần này được coi là bước đi táo bạo cho thấy nỗ lực lắng nghe doanh nghiệp, mức độ kiến tạo của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm phổ biến, sử dụng thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người bằng các thủ tục công bố thực phẩm an toàn đang được sử dụng.
Ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm quản lý được ATTP
Khả năng Cục ATTP giảm các thủ tục hành chính được nhiều chuyên gia trong ngành thực phẩm đánh giá khá cao. Đây là biểu hiện của việc cơ quan Nhà nước làm bớt việc của doanh nghiệp, thay vào đó là tập trung vào kiểm soát và quản lý.
TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang đòi hỏi sự thay đổi tư duy quản lý thực phẩm hiện nay.
"Chức năng của cơ quan Nhà nước là giám sát chứ không phải cấp phép. Nếu vừa cấp phép vừa kiểm tra sẽ gây ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" - TS. Trần Duy Khanh nói.