Theo đó, dự thảo nghị định mới quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính. Một số nội dung được quan tâm trong dự thảo nghị định lần này.
Đối với sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, doanh nghiệp tự công bố và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước.
Sau 7 ngày, nếu cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu không đồng ý với bản tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến bằng văn bản và doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh theo đúng yêu cầu sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận.
Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.
Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm công bố có tác dụng đến sức khỏe do tính chất đặc thù của sản phẩm, đây là những sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đề xuất cần kiểm soát chặt chẽ.
Theo đó, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố, trong vòng 30 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật về ghi nhãn, trong trường hợp cần thiết sẽ thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá.
Về vấn đề phân cấp quản lý: Bộ Y tế đã chỉnh sửa dự thảo theo hướng phân cấp triệt để cho địa phương. Theo đó, tất cả những sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm kể cả thực phẩm nhập khẩu sẽ do Sở Y tế quản lý.
Bộ Y tế chỉ quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đối với các sản phẩm đặc thù như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng liên quan đến sức khỏe.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 7 triệu ngày công và khoảng 3.000 tỷ đồng.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối