Ông Trần Văn Thiên- Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho cho biết: "Nhiều quy định dưới Thông tư đang “trói” doanh nghiệp".
Vị này dẫn chứng, trước 2016 doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc mua thuốc của ai, nhập về sản xuất thế nào, nhưng theo Thông tư 13/2016 về quản lý thuốc thú y, quy định
nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thuốc thú y thì doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu dù số lượng nhỏ; Khi về cảng, cơ quan Nhà nước lấy mẫu kiểm nghiệm nếu đạt thì cấp phép.
"Chứng tỏ, cơ quan nhà nước “ôm” lấy phần việc của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp nhập về phải chịu trách nhiệm về
chất lượng sản phẩm, bán ra theo tiêu chuẩn sản xuất, hậu kiểm là các cơ quan quản lý ngành thú y. Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp rất nhiều"- ông Trần Văn Thiên nói.
Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Nhu- Phó tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho hay: "Luật ở trên rất mở nhưng hướng dẫn ở dưới lại rất chặt. Ví dụ, Pháp lệnh giống cây trồng quy định, khi công nhận giống cây trồng chỉ thành lập 1 hội đồng, nhưng bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh quy định phải thành lập 4 hội đồng;
Khi công nhận giống cây trồng Pháp lệnh quy định chỉ có 2 lần khảo nghiệm, sản xuất thử nhưng bản hướng dẫn đưa ra lại quy định 3 lần. Pháp lệnh không quy định diện tích là bao nhiêu nhưng hướng dẫn lại quy định mấy nghìn ha".
Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, Luật trồng trọt nhiều đề xuất không thực hiện được. Cụ thể như: Quy định quản lý tất cả giống cây trồng từ chính đến phụ.
"Cây trồng phụ do Chính phủ quy định, nếu không đăng ký không công bố thì dân không được sản xuất. Đây là điều rất phi lý vì hiện nay có mấy vạn giống cây trồng phụ như: dược liệu, lâm nghiệp, hoa, rau... mấy chục vạn tồn tại trong sản xuất. Trong khi Luật quy định, nếu không công bố thì dân không được sản xuất, vậy ai đứng lên công bố cho dân sản xuất mấy chục vạn giống cây trồng này?
Từ trước tới nay chưa nước nào quy định công bố như vậy. Trong khi Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn đã quản lý rất chặt vấn đề này".
Theo bà Tú Anh- Đại diện công ty An Đô, chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhiều quy định trong Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực này chưa gắn liền với thực tiễn. Chẳng hạn như quy định
công bố hợp quy hợp chuẩn, doanh nghiệp được thuê đơn vị chức năng làm.
Tuy nhiên, sau khi có kết quả, doanh nghiệp phải đem toàn bộ thủ tục, quyết định hồ sơ
công bố chất lượng thuốc bảo vệ đến Chi cục bảo vệ thực vật dể tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy chuẩn. Doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần với thủ tục này. "Đây là điều vô lý. Nhiều thủ tục hành chính rất chồng chéo và tốn kém thời gian của doanh nghiệp"- bà Tú Anh cho hay.
Thẳng thắn chia sẻ tại hội thảo rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành mới đây, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, các thủ tục kiểm dịch thực vật, kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra chồng chéo, rất mệt mỏi. Những quy định này cần được cắt bỏ, đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong những cuộc điều tra, khảo sát doanh nghiệp do VCCI hay Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành gần đây, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp nhất, song việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh của Bộ này lại chậm hơn nhiều Bộ, ngành khác.
Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này sẽ cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa gần 70% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, với dự thảo mới về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp vẫn còn "áy náy" vì vẫn còn những điều kiện vô lý, cản trở doanh nghiệp, cần được rà soát, cắt bỏ trong thời gian tới.