Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) không nắm bắt kịp thời cũng như chưa thích ứng được với những thay đổi chính
sáchnhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, nếu cả cơ quan quản lý và DN không có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Lúng túng với quy định mới
Một số DN cho biết, họ cảm thấy quan ngại khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra quy định là các cơ sở sản xuất,
chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ sản phẩm cho người và động vật khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ phải đăng ký với cơ quan này, trước khi bắt đầu sản xuất. Đồng thời, các cơ sở sản xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ dù đã đăng ký với FDA nhưng vẫn bắt buộc phải đăng ký lại theo chu kỳ 2 năm/lần, trong khoảng thời gian từ ngày 20-1 đến 31-12 vào các năm chẵn.
Bà Lý Thị Tú Duyên, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho biết để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, với DN Việt Nam vốn đã không dễ dàng. Vì thị trường này luôn có những quy định rất khắt khe đối với hàng nhập khẩu. Song song đó, DN Việt Nam cũng lúng túng trong việc nắm bắt kịp thời những thay đổi về tiêu chuẩn hàng hóa do FDA cập nhật. Không chỉ vậy, với việc có thêm quy định mới là phải có đại diện hay điểm giao dịch tại Mỹ đã dẫn đến tình trạng DN khó tiếp cận thị trường và chi phí xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng tăng lên rất nhiều.
Theo ông Nestor Scherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, chuyên gia Hải quan Thế giới (WCO), việc quy định DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải có đại diện tại Mỹ nhằm giúp DN có đầu mối liên lạc với cơ quan hữu quan của Mỹ, đặc biệt là FDA. Bên cạnh đó, đại lý sẽ nhận ủy quyền của DN đăng ký thủ tục pháp lý, giải quyết các vấn đề khẩn cấp và phối hợp với cơ quan hữu quan tại Mỹ khi xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này. Nếu DN hay nhà xuất khẩu không có đăng ký hoặc chỉ định đại lý tại Mỹ, khi hàng hóa xuất khẩu qua thị trường này có nguy cơ bị trả lại hoặc sẽ bị giữ tại cục hải quan, gây tổn thất kinh tế rất lớn cho DN Việt. Đặc biệt, nếu rơi vào trường hợp hàng hóa bị giữ tại cục hải quan, DN sẽ phải chi trả các chi phí liên quan đến lưu giữ, vận chuyển và sắp xếp hàng hóa... Ngoài ra, DN còn có thể đối mặt với việc bị cấm vĩnh viễn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ nếu có phát hiện vi phạm quy định tiêu chuẩn, chất lượng do FDA ban hành.
Vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng: Mờ nhạt!
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 đạt 23,4 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, FDA đã có 32 lệnh cảnh báo đối với DN Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo ghi nhận thực tế, có hàng loạt DN Việt Nam đang xuất hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường do không kịp thời đáp ứng những quy định mới. Đặc biệt, với ngành chế biến thực phẩm, đóng gói, hiện đang có 1.485 DN đăng ký xuất hàng vào thị trường Mỹ, nhưng chỉ riêng quy định mới là phải có đại diện tại Mỹ, đã khiến cho số đăng ký của DN Việt Nam giảm 45%.
Ông Herb Cochran, cố vấn Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, cho biết thêm, luật hiện đại hóa an toàn về vệ sinh thực phẩm, hệ thống pháp luật đối với
quản lý hàng hóa nhập khẩu của Mỹ cũng đang có rất nhiều quy định thay đổi, liên quan đến cách thức ghi nhãn hàng hóa, loại thực phẩm phải công bố rõ thành phần các chất sử dụng, thứ tự ưu tiên các loại chất sử dụng trong thực phẩm ghi trên nhãn… Việc kiểm định chất lượng hàng hóa sẽ không chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra tại cửa khẩu, mà DN phải chứng minh quy trình kiểm tra (có đơn vị độc lập chứng nhận) từ khâu xuất xứ đến đóng gói thành phẩm, vận chuyển đến cửa khẩu nhập khẩu của hải quan Mỹ. Những thay đổi này đã ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Một số nghiên cứu, khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ liên tục gặp rào cản. Trên thực tế, các DN tại Việt Nam rất khó để nắm bắt kịp hết những quy định mới của FDA. Do vậy, đang có rất nhiều DN bị đưa vào danh sách ngưng xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và
thủy sản (NAFIQAD), do việc thay đổi của phía Mỹ không thông báo trước nên nhiều khả năng một số mặt hàng thực phẩm chế biến, đóng gói và thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này kể từ tháng 8-2017 sẽ gặp khó. Trong đó, DN đối mặt với áp lực phải chịu thêm chi phí kiểm tra và sản phẩm có khả năng chưa đáp ứng hoàn toàn các quy định của Mỹ. Vì vậy, NAFIQAD đã đề xuất các cơ quan hữu quan của Mỹ cần có sự linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi để không làm gián đoạn việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Bộ Công thương cũng cho biết sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ nhằm tháo gỡ những rào cản kỹ thuật gây khó cho DN xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, bộ đang đẩy mạnh xúc tiến kết nối DN với hệ thống phân phối đa quốc gia như Tập đoàn Aeon mall, Auchan, Metro, Lotte… để hỗ trợ DN nội chuẩn hóa quy trình sản xuất; từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập chuỗi cung ứng sản phẩm cho hệ thống phân phối bán lẻ toàn cầu. Từ đó, có thể gia tăng xuất khẩu hàng hóa nhưng vẫn giảm thiểu được những rủi ro, vượt rào cản kỹ thuật mà thị trường nhiều nước trên thế giới dựng lên để hạn chế hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào nước mình.
Các DN cho biết, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường đều tăng trong nửa đầu năm 2017, nhưng tại thị trường Mỹ và ASEAN lại giảm đáng kể. Không chỉ vậy, quy định mới về tăng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nhập khẩu, do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành, dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.
Tương tự, mặt hàng cá da trơn (Pangasius) Việt Nam, trước đây được tiến hành quy trình kiểm tra xác suất, nhưng kể từ ngày 1-9-2017 sẽ bị Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) kiểm tra 100% các lô hàng. Các cơ quan chức năng của Mỹ sẽ áp dụng quy định về sự tương đồng tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn giữa các nước nhập khẩu và Mỹ. Trong đó, thực hiện nghiêm ngặt các giám định về chủng loại cá, dư lượng hóa chất có trong các lô hàng, thực tiễn nông nghiệp tốt (GAP), thực tiễn sản xuất tốt (GMP)...