Tại diễn đàn chính sách thương mại chủ đề “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” diễn ra mới đây tại TPHN, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện đang gặp vướng mắc với quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP” tại Nghị định 38.
Theo đó, hàng hóa khi nhập khẩu về, doanh nghiệp mất cả tháng trời để chờ đợi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận phù hợp, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo ông Linh là quy định này tại Nghị định 38 lại không có trong Luật ATTP, văn bản pháp luật cao nhất mà nghị định này hướng dẫn.
Chính vì vậy, ông Linh kiến nghị, cần bỏ quy định về công bố phù hợp quy định ATTP để tránh gánh nặng cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại" diễn ra ở Hà Nội hôm 4-4, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Thủy sản và một số doanh nghiệp cũng có kiến nghị liên quan đến thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP tại Điều 4, Nghị định 38.
Theo các doanh nghiệp, yêu cầu này đã và đang tạo ra không ít nhiêu khê và khó khăn. Trong thực tế thực hiện, doanh nghiệp khi làm thủ tục để được cấp giấy xác nhận không chỉ mất 15-30 ngày như quy định của Nghị định 38, mà còn mất nhiều thời gian hơn, thậm chí là gấp nhiều lần con số này.
Nguyên nhân là do nhiều trường hợp sau khi đã chờ đợi đến đủ 30 ngày, doanh nghiệp mới nhận được thông báo là hồ sơ không đạt và cần phải sửa để trình lại. Doanh nghiệp lại tiếp tục nộp hồ sơ và quy trình xem xét bị tính lại từ đầu. Một doanh nghiệp có thể bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần và mỗi lần là một yêu cầu khác nhau.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, quy định này lại không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Điều 7, Luật An toàn thực phẩm; khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 38 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hay Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các luật này quy định doanh nghiệp được quyền tự công bố tiêu chuẩn mà mình áp dụng và tiêu chuẩn, quy chuẩn mới là cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 10-4, đại diện của một trong những đơn vị tổ chức hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thức đẩy thuận lợi hóa thương mại" là Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho biết, ý kiến kể trên của doanh nghiệp sẽ được tập hợp trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành