Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về ATTP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời, ban hành các Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP theo kế hoạch đã đề ra.
Cho ý kiến cụ thể về sửa quy định công bố hợp quy, hợp chuẩn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho DN, quy định rõ các bước thực hiện để DN có thể làm được ngay.
Trước đó, từng có ý kiến về các thủ tục công bố hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về việc bãi bỏ quy định cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP.
Theo phía doanh nghiệp, sản phẩm được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng đã có thể được đưa ra thị trường và chỉ cần thông báo cho Cục ATTP về việc sản phẩm này đã được kiểm nghiệm. Tuy nhiên, Cục ATTP (Bộ Y tế) yêu cầu cần một giấy phép khác là Giấy xác nhận công bố phù hợp các quy định về ATTP.
Trong quá trình cấp giấy phép này, Cục ATTP còn tiếp tục gây khó dễ cho doanh nghiệp bởi hàng loạt các giấy phép con.
Thời gian thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp trên thực tế kéo dài so với quy định 30 ngày làm việc.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, các vụ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm hiện nay có nguyên nhân chiếm 99% là mất vệ sinh từ bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, rất ít trong đó là ngộ độc từ thực phẩm đóng gói sẵn. Do vậy, cách quản lý và thủ tục cấp phép của nhà nước đã gây tốn kém thời gian, chi phí, lỡ mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giấy xác nhận công bố hợp quy về ATTP là thừa? |
Tuy nhiên, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Thanh tra Cục ATTP lý giải, sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng thì bắt buộc phải tuân theo các quy chuẩn của cơ quan quản lý chứ không thể phó thác cho doanh nghiệp tự đặt ra các tiêu chuẩn cho mình và bán ra thị trường.
Đại diện Cục ATTPP cho rằng, quản lý ATTP phải dựa trên quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong các văn bản luật do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành rồi mới tới các tiêu chuẩn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tự đặt ra.
Sản phẩm của doanh nghiệp đã kiểm nghiệm chất lượng nhưng chưa được đảm bảo các tiêu chí an toàn do Cục ATTP thẩm xét thì không thể bán cho người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các cuộc giám sát ATTP trong phạm vi toàn quốc. Nội dung giám sát tập trung vào việc xử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm, vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là ở các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Hà Nội, TPHN hoặc các thành phố lớn có thể lập các mô hình thí điểm về quản lý ATTP một cách linh hoạt, tùy theo điều kiện địa phương. Các bộ ngành cần sớm có các văn bản hướng dẫn địa phương phân công đầu mối phụ trách ATTP ở xã, phường; cơ chế trang bị máy móc và thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm… |