Tác hại của bao bì nhựa tới sức khỏe
Bao bì thực phẩm là phần tiếp xúc trực tiếp và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực phẩm. Nếu bao bì không đảm bảo an toàn, chất lượng kém hoặc chứa các chất độc hại sẽ dễ dàng ngấm vào thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Liên quan tới bao bì nhựa, trước đó, không chỉ nước Pháp mà nhiều nước trên thế giới đã cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng... sử dụng một lần làm bằng nhựa. Thế nhưng hầu hết 95% người dân Việt vẫn thản nhiên ăn chúng hàng ngày.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm- Đại học Bách khoa Hà Nội) ông cho biết, chai nhựa cũng có rất nhiều loại, nhiều hợp chất khác nhau để làm nên, như chai PE, PVC, hoạt tính...vì thế nó sinh ra hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm khác nhau.
Hiện nay có tới 25 chất dẻo được sử dụng để làm bao bì, có loại chai dùng đựng nước mắm, rượu, nước uống, nước giải khát, đựng sữa, đựng mỹ phẩm...
Để người tiêu dùng có thể nhận biết được mức độ độc hại của từng loại bao bì nhựa các nhà sản xuất đã đưa ra các ký hiệu trên chai. Những sản phẩm này thường được kiểm soát rất chặt chẽ từ Bộ Y tế. Tuy nhiên đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nhựa tái chế không qua kiểm soát thì vô cùng nguy hiểm có thể thôi nhiễm cho người dùng và gây bệnh ung thư.
Theo PGS Thịnh, các loại bao bì nhựa dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử PVC (polyvinyl clorur), PE (polyethylen)... Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP)... Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm.
Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể gây hại nhiều mặt nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết (endocrine disruptors). Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và cho thấy, trong nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phtalat (MMP) cao hơn nhiều so với bé gái bình thường. Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP có trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm.
Ngoài ra, TS. Thịnh cho rằng, nước Mỹ họ thường có những nghiên cứu rất cụ thể. Khi đã công bố thì họ sẽ cấm lưu hành dòng sản phẩm đó. Trong khi đó, Việt Nam chưa làm được việc này nên nếu cứ đưa cảnh báo mà không cấm được, xử lý được nên khiến người tiêu dùng sẽ vô cùng hoang mang. Vì thế, nên đưa vào cụ thể, chai nào tên là gì, sản phẩm gì, sau đó mới vào cuộc điều tra xem xét để cảnh báo cụ thể cho người dùng.
Nhận biết các ký hiệu trên mỗi bao bì nhựa thông qua các con số
Trước mức độ nguy hại của bao bì nhựa, trước đó, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) có năng lực và được các cơ quan quản lý chuyên ngành tin tưởng chỉ định cung cấp dịch vụ thử nghiệm, phân tích chất lượng và tính an toàn đối với các loại sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các loại bao bì tiếp xúc thực phẩm, đáp ứng toàn diện các yêu cầu đa dạng về quản lý, phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp, cá nhân.
Qua đó, Trung tâm cũng đã giúp người tiêu dùng giải mã những ký hiệu dưới đáy chai nhựa người dùng cần biết mỗi khi lựa chọn sản phẩm cho mình.
Cụ thể, theo QUATEST 3, dưới đáy của các hộp, chai nhựa có các con số từ 1 đến 7 nằm gọn trong dấu hiệu “recycle” (tái chế), đó chính là số hiệu phân loại nhựa. Cụ thể như sau:
Số 1: Nhựa PET (nhựa polyethylene terephthalate) có thể tái chế nhưng cần rửa sạch
Hầu hết các chai nước khoáng, chai nước ngọt, chai dầu gội, chai xúc miệng…đều thuộc loại đồ nhựa số 1 PET (Polyethylene terephtalate). Loại nhựa này được đánh giá là khá an toàn và không gây ra những tác hại xấu cho sức khỏe nên có thể dùng để chứa đựng thực phẩm.
Tuy nhiên các chai nhựa có kí hiệu này chỉ nên sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ C, không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe.
Số 2: Nhựa HDPE có thể tái chế
Các chai nhựa này có khả năng chịu nhiệt đến 110 độ C, thường được dùng đựng thực phẩm, sữa tắm, chai nhựa có tỷ trọng Polyethylen cao như sữa hộp, chai thuốc tẩy, chai sữa chua, bình đựng chất tẩy rửa, đồ chơi và một số loại túi nhựa hoặc các vật có độ tinh khiết cao.…
Ngoài ra, tất cả các thùng nhựa được dùng riêng cho bảo quản thực phẩm đều được làm từ loại nhựa này.
Số 3: Nhựa PVC rất độc không thể tái chế
Đây là loại nhựa được làm từ polyvinyl clorua (PVC) (viết tắt là V). Loại nhựa này có thể gặp ở các sản phẩm như áo mưa, vật liệu xây dựng, mảnh nhựa hoặc hộp nhựa, màng co các loại chai, bình bằng nhựa, các loại màng plastic bọc thức ăn, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước, vỏ bọc dây cáp điện…
Nhựa PVC giá rẻ, có độ dẻo cao, song chỉ chịu được 81°C. Khi phân hủy, nhựa PVC thường thải ra các hóa chất độc hại vào không khí, nước, đất. Do vậy nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và thậm chí gây ung thư.
Số 4: Nhựa LDPE - polyethylene có thể tái chế
Nhựa polyethylene (LDPE) khá phổ biến trong các hộp mì, túi đựng hàng, vỏ bánh kẹo... Chất này không thể làm nóng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng chất độc hại do có tỷ lệ poly-ethylen thấp.
Loại nhựa này khá phổ biến trong các hộp mì, túi đựng hàng, vỏ bánh kẹo, túi nhựa, dây buộc, vỏ đĩa CD, vỏ ổ đĩa cứng, các loại chai có thể bóp, một số loại chai nhựa, giấy gói thực phẩm, hộp đựng thực phẩm…
Mặc dù không rỉ ra các chất độc hại khi sử dụng cũng như chưa có bằng chứng nào cho thấy LDPE có tác hại đến sức khỏe con người, nhưng các chuyên gia cũng khuyên người sử dụng không nên lạm dụng loại nhựa số 4 này để đựng thức ăn.
Số 5: Nhựa PP (nhựa polypropylene) có thể tái chế
PP thường có trên nắp hoặc đáy cốc cà phê, chai sữa thường, sữa chua hoặc chai nước trái cây. Chất này thường chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng. PP là một loại nhựa cứng và an toàn, có khả năng chịu nhiệt tuyệt vời cùng với độ bền cao. Nếu bạn muốn dùng hộp nhựa để đựng thực phẩm thì nên chọn loại có ký hiệu số 5 để đảm bảo không có hóa chất độc hại.
Số 6: Nhựa PS (polystiren) độc hại không thể tái chế
PS thường có ở các cốc uống nước, hộp xốp đựng thức ăn chỉ sử dụng một lần, tức là không tái sử dụng. Khi sử dụng ở nhiệt độ cao, các chế phẩm này thường sản sinh ra chất Styrene cực độc.
Những sản phẩm được sản xuất từ loại nhựa này gồm cốc uống nước, hộp xốp đựng thức ăn chỉ sử dụng một lần, tức là không tái sử dụng. Khi sử dụng ở nhiệt độ cao, các chế phẩm này thường sản sinh ra chất Styrene cực độc. Do đó, nên hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa mang ký hiệu số 6 càng tốt.
Số 7: Nhựa PC không thể tái chế
PC được sử dụng rất phổ biến, nhất là làm chai sữa, cốc dùng một lần. Sản phẩm chứa loại nhựa này có chứa BPA rất nguy hiểm, có thể phân giải ra chất gây ung thư.
Trong số các loại nhựa khác có polycarbonat (PC), thường chỉ được dùng trong công nghiệp, như sản xuất vỏ máy điện thoại, máy tính… Đây là loại nhựa có chứa bisphenol-A (BPA). Chất này có khả năng bị thôi nhiễm vào thực phẩm và có các tác động không tốt với sức khỏe như thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, rối loạn tim mạch, ung thư, vô sinh…
Do đó, theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dùng nên lựa chọn những loại bao bì nhựa có in ký hiệu HDPE, LDPE, PP và PET. Riêng đối với PET, hãy đảm bảo rằng bạn rửa sạch chai trước khi tái sử dụng