Thông tư mới số 36 đã có hiệu lực được gần 1 tháng, giúp loại bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Theo Thông tư 36, doanh nghiệp sẽ không cần xin chứng nhận thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng (công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng) cho phương tiện, thiết bị
nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về
chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và đặc tính kỹ thuật.
Thông tư mới cũng quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm đối với sản phẩm thiết bị cũng được quy định thông thoáng hơn. Doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn nhiều hình thức gửi hồ sơ như trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua mạng online, dịch vụ công ở mức độ 4 xử lý hoàn toàn trên mạng…
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Điện tử Benny Việt Nam cho rằng, yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng một lần như ở thông tư 07 cũ đã gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan đối với các sản phẩm. Trên thực tế, hàng nghìn sản phẩm vẫn phải thường xuyên tồn kho hàng tháng, gây tốn phí đáng kể. Ngoài ra, giá trị thử nghiệm sản phẩm không quá 6 tháng cũng khiến doanh nghiệp nhập khẩu nhiều thiết bị trong thời gian dài sẽ tốn kém chi phí và thời gian.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng của thế giới đều đã áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng này đều đã được kiểm tra kỹ bởi các đơn vị, được thế giới công nhận, trước khi đưa ra thị trường. Do đó, quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp. Việc thay thế thông tư 07 bằng Thông tư 36 của Bộ là sự cởi trói, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp giảm thủ tục, thời gian, chi phí…
Ông Kiên cũng cho biết thêm, Thông tư 36 tuân thủ theo đúng thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước, điều đầu tiên là đối với những sản phẩm đã có tem nhãn năng lượng phù hợp thì được phép lưu thông trên thị trường mà không phải thử nghiệm lại theo từng lô…
Việc thay thế thông tư 07 bằng thông tư 36 với hi vọng có thể giải quyết được các khó khăn vướng mắc, tạo thông thoáng cho thủ tục dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại trước vấn nạn hàng nhái, hàng giả sẽ lợi dụng vào thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho hay, Bộ sẽ tiến hành đẩy mạnh công tác hậu kiểm, phối hợp với UBND các tỉnh, các Sở Công Thương, Quản lý thị trường để tiến hành hậu kiểm những sản phẩm dán nhãn năng lượng đang lưu thông trên thị trường.
Tổng Giám đốc DigiCity Group VietNam, ông Trần Xuân Thắng cũng cho rằng, việc hậu kiểm của Bộ Công Thương thì tất cả các nhà phân phối đều phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt, việc dán tem cũng phải chuẩn số sao, không thể nhập nhèm, gây thiệt hại và đánh lừa người tiêu dùng. Nếu không doanh nghiệp sẽ bị đào thải, đó là quy luật của thị trường.
Sau gần 1 tháng có hiệu lực, phần lớn các doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với thông tư 36. Đây cũng được coi là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương