Cơ hội
Huyện Cam Lâm có điều kiện thuận lợi cho nghề trồng xoài và thực tế đã trở thành vùng trồng xoài tập trung của Khánh Hòa. Những cải tiến trong trồng trọt đã giúp người dân Cam Lâm cải thiện được các giống cũ và ghép nhiều giống chất lượng cao. Điển hình như, giống xoài cát Hòa Lộc cơm vàng tươi, dày, chắc, mịn, ít xơ, rất ngọt, thơm dịu. Giống xoài Úc hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt, cơm vàng, chắc, rất ít xơ. Giống xoài canh nông địa phương có vị chua thanh, ngọt nhẹ. Xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc trồng tại Cam Lâm có chất lượng không thua nơi xuất xứ. Xoài Cam Lâm còn được xuất khẩu đi Malaysia, Indonesia, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Dubai (các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)… Các sản phẩm chế biến từ trái xoài như: bánh tráng xoài, mứt xoài Cam Lâm cũng được ưa chuộng.
Hiện tại, huyện Cam Lâm có hơn 4.700ha xoài, chiếm gần 60% tổng diện tích xoài toàn tỉnh và chiếm tỷ lệ lớn so với các cây trồng chủ lực khác ở huyện. Đây là một trong những lợi thế về vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với Cam Lâm. Với năng suất bình quân 7 tấn/ha/vụ, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng xoài có thể lãi 150 - 180 triệu đồng/ha, cá biệt có người lãi hơn 300 triệu đồng/ha.
Từ năm 2013, huyện Cam Lâm đã triển khai Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cam Lâm” đối với 3 loại xoài tươi (Úc, cát Hòa Lộc, canh nông) được trồng và thu hoạch trên địa bàn. Tháng 4-2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 3 loại xoài trên. Tháng 6-2016, huyện tập huấn quy trình quản lý, cấp và sử dụng tem nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm cho các cá nhân, tổ chức trồng và kinh doanh xoài tại địa phương. Dự án thí điểm cấp 3.200 tem sử dụng một lần cho 8 hộ trồng xoài dán trực tiếp lên trái xoài. Dự án cũng cấp biển hiệu, hộp đèn mang nhãn hiệu chứng nhận cho 2 hộ kinh doanh xoài; xây dựng quầy bán hàng có biển hiệu mang nhãn hiệu chứng nhận cho 5 hộ kinh doanh dọc Quốc lộ 1. Cuối tháng 12-2016, dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu. Ngày 5-4, huyện Cam Lâm chính thức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cam Lâm”.
Vườn xoài ở xã Cam Thành Bắc |
Cùng với đó, 52 hộ trồng xoài thuộc 12 xã, thị trấn của huyện cũng chính thức đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Các hộ này phải tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản xoài; được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm, phương tiện kinh doanh và chỉ được sử dụng cho các loại xoài đã được cơ quan quản lý cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; không chuyển giao nhãn hiệu cho người khác sử dụng và nộp phí sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Điều này mở ra cơ hội cho trái xoài nơi đây. Ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Những người trồng xoài huyện cho biết, những người đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng xoài và dần hướng cho người dân trồng xoài theo quy trình VietGAP.
Bước khởi đầu
Tuy nhiên, việc được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình xây dựng thương hiệu. Ông Đào Văn Tám (thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc), thành viên đăng ký nhãn hiệu cho biết, ông là một trong những hộ đầu tiên ở thôn chuyển sang trồng xoài Úc. Hiện nay, nhà ông trồng 1,5ha xoài Úc và cát Hòa Lộc. Quá trình trồng, ông vẫn luôn ao ước cây xoài được dán nhãn, có thương hiệu riêng như nhiều loại trái cây khác để việc mua bán, thậm chí xuất khẩu dễ dàng hơn. “Bây giờ có nhãn hiệu rồi, mong sao Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đầu ra, để ổn định giá, có chỗ thu mua đều đặn”, ông Tám bày tỏ.
Trên thực tế, nhiều nông sản đã tạo được sự chú ý nhất định của người tiêu dùng thông qua xác định địa danh, xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, hình ảnh logo, nhãn hiệu đăng ký vẫn chưa được thông tin rộng rãi, chưa tiếp thị bài bản nhằm định hình tiêu chuẩn nông sản đặc trưng so với sản phẩm cùng loại… Ông Lâm Ngọc Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc, Phó Chủ tịch Hội Những người trồng xoài huyện cũng thừa nhận, những năm qua, việc sản xuất xoài còn mang tính đơn lẻ, ít có sự liên kết mặc dù đã hình thành vùng sản xuất tập trung. Vài năm gần đây, người trồng xoài đã chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng thực hiện chưa liên tục, chưa đúng định mức, trình độ kỹ thuật giữa các nhà vườn không đều nhau. Để góp phần giữ gìn và duy trì nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm, ông mong nông dân thực hiện nghiêm quy trình trồng xoài từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường phân bón vi sinh, quá trình sản xuất được ghi chép nhật ký chi tiết…
Theo ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện, xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, khó khăn. Nông sản đã được bảo hộ chỉ là bước đầu trên con đường trở thành thương hiệu. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao hơn nữa giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với trái xoài. Tới đây, UBND huyện sẽ thành lập Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm để tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định về cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Huyện cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng xoài và các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Các lớp đào tạo nghề trồng xoài sẽ tiếp tục được mở nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm