Số lượng lớn, số thu nhỏ
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, khu vực hộ kinh doanh không ngừng phát triển và lớn mạnh. Mặc dù có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước nhưng số thu thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước, không kể dầu thô). Đây là lĩnh vực được đánh giá đang thất thu về đối tượng.
Xác định rõ điều này, Tổng cục Thuế đã không ngừng đề ra các giải pháp để mở rộng cơ sở thuế từ đó tăng thu ngân sách nhà nước nhưng không tăng thuế làm ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh đang quản lý.
Tại Cục Thuế Hà Nội, ngay từ đầu năm 2017, một số Chi cục có số lượng hộ kinh doanh cá thể lớn đã soạn thư ngỏ gửi tới 100% cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhằm khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan Thuế cũng đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của phường nội dung chính của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với mục tiêu khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp và lợi ích mang lại của việc này. Cán bộ Thuế sẵn sàng hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa trong việc kê khai và nộp thuế.
Chi cục Thuế Đống Đa là một điển hình của việc tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo thông tin từ đơn vị, 6 tháng đầu năm 2018, tại địa bàn quận có 19 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo ghi nhận, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Số nộp ngân sách của những hộ này 6 tháng đầu năm là 347 triệu đồng, bằng 278% so với cùng kỳ năm 2017 khi đang ở mô hình hộ kinh doanh cá thể.
Ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa cho rằng: "Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn chung trên cả nước, xác định hộ kinh doanh cá thể là một khu vực còn nhiều dư địa thu thuế , Chi cục Thuế Đống Đa đã có nhiều giải pháp tháo gỡ về mặt thủ tục hành chính, tư vấn hỗ trợ các thông tin cần thiết và không ngừng động viên tạo điều kiện để các hộ kinh doanh có thể "mạnh dạn" hơn trong việc chuyển đổi".
Cơ hội lớn
Thực tế cho thấy, số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên thành doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn khá "khiêm tốn". Mặc dù Nhà nước tạo điều kiện, cơ quan chức năng cũng không làm khó bởi thủ tục giấy phép, tuy nhiên phần đông hộ kinh doanh vẫn còn mang trong mình tâm lý "e ngại".
Theo chia sẻ của một cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế Đống Đa, trong quá trình đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp, phần đông hộ kinh doanh còn cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi mô hình vì lo ngại các thủ tục hành chính có thể còn rườm rà, chưa phù hợp.
Việc chuyển thành doanh nghiệp sẽ khiến các hộ kinh doanh phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính. Chưa kể một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển đổi mô hình phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận bán lẻ rượu, thuốc lá... Khi có giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, thủ tục hành chính phức tạp hơn như bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động... Điều này sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên. Trong khi đó, so với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lại có những lợi thế hơn nhất định. Chẳng hạn như chế độ sổ sách kế toán chỉ có 6 loại so với vài chục loại của doanh nghiệp vừa và nhỏ; hồ sơ trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp. Sâu xa hơn, đó là nỗi lo sợ sẽ bị ràng buộc nhiều hơn từ các cơ quan quản lý.
Một thực tế nữa, đó là có những trường hợp không muốn lên doanh nghiệp để tìm cách tránh thuế bởi khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh họ vẫn được hưởng chế độ thuế khoán.
Theo ông Lê Quang Hùng, với các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, có lẽ khó khăn sẽ thấy ngay trước mắt còn thuận lợi mới chỉ dừng lại ở "nghe nói". Tuy nhiên, phải thực sự va vấp trong qua trình làm việc họ sẽ thấy rằng những e ngại về thủ tục hành chính, chi chí không hề như họ nghĩ.
"Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong việc huy động vốn. Việc chuyển đổi thành doanh nghiệp giúp quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và là cơ hội tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay", ông Hùng khẳng định.
Thời gian tới, với những hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành doanh nghiệp, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp và tạo điều kiện ngày càng phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ quan Thuế đặt mục tiêu trong việc phát triển doanh nghiệp không chỉ gia tăng về số lượng mà còn phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, thời gian tới cơ quan Thuế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành, các cấp chính quyền để cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện các giải pháp chiến lược, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp.
Cục Thuế Hà Nội sẽ cùng các cấp chính quyền hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế, động viên khuyến khích những hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đi vào ổn định trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho cả người nộp thuế và xã hội.