Một doanh nhân cho biết, để đưa một hộp sữa về kho, doanh nghiệp phải xin xác nhận an toàn kiểm dịch động vật của nước sản xuất. Nhưng về tới Việt Nam, hộp sữa vẫn phải cõng thêm hai loại giấy phép khác: Một là giấy kiểm dịch động vật ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Hai là giấy an toàn thực phẩm ở Bộ Y tế. Tương tự, một chiếc kẹo làm ra gánh tới 8 giấy an toàn thực phẩm. Với khảo sát của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí cho việc này trung bình 6-10 triệu đồng/lô hàng thì tổng chi phí doanh nghiệp phải chịu từ 978 tỉ đồng đến 1.630 tỉ đồng/năm.
Cắt giảm “quyền lực”
Trước thực trạng trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP; Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thống nhất đầu mối quản lý sản phẩm thực phẩm.
Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức họp để cho ý kiến lần cuối vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012. Do thay thế tới 20/25 điều so với NĐ 38 hiện hành.
Dự thảo nghị định mới quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Điểm đáng chú ý nhất là trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành, thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra, chẳng hạn: Các sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Phương thức kiểm tra Nhà nước về ATTP cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sơ trên tổng số lô hàng do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên. Quy định này phù hợp với thong lệ quốc tế. Bởi tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, việc kiểm tra chuyên ngành theo hướng xác suất và thường chiếm 1-3% số lô hàng, tuy nhiên nếu phát hiện vi phạm và có cảnh báo thì tỷ lệ tăng lên từ 30% hoặc 100%.
Tăng cường hậu kiểm
Tuy nhiên, cũng có những lo lắng về mặt kiểm soát chất lượng cũng như ATTP. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nghị định mới cũng quy định là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận.
Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.
Dự thảo nghị định cũng thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP, cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống... sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm.
Trên thực tế, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm, hiện có tới 414 văn bản pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành. Con số này không giảm mà còn tăng thêm khoảng 50 văn bản so với năm 2016.
Số liệu thống kế từ CIEM cho thấy: Hiện nay, có khoảng 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100.000 hàng hóa, mặt hàng. Để thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp phải bỏ ra 30 triệu ngày công và khoảng 14.000 tỷ đồng mỗi năm.
Một ý nghĩa to lớn nữa trong việc này, theo các chuyên gia, dự thảo nghị định mới mạnh dạn cắt giảm kiểm tra chuyên ngành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm sẽ mở đường, tạo tiền lệ cho các Bộ, ngành khác.
Ông Hồ Cao Huy Bảo –Giám đốc điều hành Cty TNHH La Fresh Đà Lạt: Tránh nguy cơ “thả gà ra đuổi” Việc giảm tỉ lệ hàng hoá phải kiểm tra khi thông quan sẽ giúp doanh nghiệp, giảm chi phí, thời gian và đặc biệt là các khoản chi phí không chính thức. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là đúng, nhưng với ngành hàng thực phẩm liên quan trực tiếp tới an toàn, sức khỏe của người dân thì việc bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng phải là mục tiêu cao nhất. Bởi nếu như để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về sản phẩm nhập khẩu của mình nhưng không có cơ quan quản lý kiểm tra trước khi thông quan, có thể dẫn tới nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm không đúng như quy định được “tuồn” vào thị trường trong nước. Đến khi cơ quan quản lý hậu kiểm, thì đã có lượng sản phẩm nhất định được người tiêu dùng tiêu thụ. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội): Cần tiêu chí để doanh nghiệp tự công bố quy chuẩn Nếu giao cho doanh nghiệp tự xác nhận, tự công bố quy chuẩn phải có quy định luật rõ ràng, nghiêm minh. Để doanh nghiệp tự xác nhận nhưng doanh nghiệp phải chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng mình đủ điều kiện làm được. Không để trường hợp doanh nghiệp nói tự kiểm tra nhưng khi xem xét lại thì trong phòng thí nghiệm kiểm tra chỉ vài dụng cụ đơn giản không đáp ứng được. Cán bộ kiểm nghiệm không có trình độ hoặc quá trình kiểm nghiệm xác nhận không đúng... |