Thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ sẽ có giá hơn rất nhiều sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.
Lần đầu tiên, vải thiều Lục ngạn- Bắc giang đã được đóng hộp, xây dựng chỉ dẫn địa lý với
mã vạch truy xuất nguồn gốc, địa chỉ, điện thoại, chứng nhận Viet Gap rõ ràng trên sản phẩm.Tuy muộn nhưng vẫn là cần thiết để có thể xuất khẩu loại quả này ra nước ngoài.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành, Tập đoàn Central và Big C cho biết, với những cam kết về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được chiếu xạ, có nguồn gốc rõ ràng về chỉ dẫn địa lý. Trái vải Việt nam hiện nay đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra thị trường Thái Lan, Canada.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Nông sản Phú Quốc, Kiên Giang cho rằng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến chỉ dẫn địa lý để làm gia tăng giá trị sản phẩm cũng như
thương hiệu của hàng hóa, đó là điểm hạn chế.
Theo Bộ NN& PTNT, hiện có tới 90%
nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140
nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ như bưởi Năm Roi, nhãn lồng Hưng Yên….và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Chính vì vậy, hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều. Đơn cử, cùng là sản phẩm chè Việt Nam chỉ xuất khẩu được với giá 50 USD/kg trong khi sản phẩm chè của Ấn Độ bán với giá 200 USD/kg. Đây là một khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi thương hiệu của sản phẩm.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, để từng bước ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng như đẩy mạnh phát triển thương hiệu. Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đang là vấn đề cần được quan tâm.