Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/5/2018, Thông tư 29 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành tại Quyết định 10 ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình). Thông tư này áp dụng với cơ quan quản lý Chương trình, các đơn vị chủ trì thực hiện đề án thuộc Chương trình và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình.
Cùng với việc nêu rõ nguyên tắc sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thông tư 29 của Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các điều kiện để được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng đủ các điều kiện gồm: Nội dung nhiệm vụ, đề án phù hợp với nội dung quy định khoản 2 Điều 10 Quyết định 10 ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nhiệm vụ, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Công Thương đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp trung ương; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp địa phương);
Đơn vị đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân
sách nhà nước hỗ trợ); Cam kết của đơn vị thực hiện đề án công nghiệp hỗ trợ chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung và thẩm định của cơ quan phê duyệt đề án; Trong 2 năm tính từ thời điểm nộp hồ sơ không thuộc một trong các trường hợp: đã chủ trì đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ có kết quả nghiệm thu ở mức “không đạt”; giao nộp sản phẩm không đúng hạn và không có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng kinh phí đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ không theo quy định hiện hành.
Về nội dung chi và mức chi, theo quy định tại Thông tư 29 của Bộ Tài chính, đối với nội dung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa 100% các khoản chi phí gồm: chi xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; đánh giá và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Mức hỗ trợ tối đa 70% các khoản chi phí: tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài; chi tổ chứcđoàn giao dịch, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký
thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác (mức hỗ trợ tối đa là 70 triệu đồng/1 chuyên đề tuyên truyền).
Thông tư 29 cũng quy định, mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng
hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; mức hỗ trợ tối đa 70% áp dụng trong việc hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Với việc hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu, Bộ Tài chính hướng dẫn, mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng cho các nội dung: chi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; chi giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; hỗ trợ mua trang thiết bị thử nghiệm chính cho các phòng thử nghiệm để nâng cao năng lực các Trung tâm phát triển công nghệ hỗ trợ theo đề án do Bộ Công Thương phê duyệt.
Mức hỗ trợ tối đa 70% áp dụng cho các nội dung: chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; chi hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Mức hỗ trợ tối đa 50% được áp dụng cho các nội dung gồm: hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển gia công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm; thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…
Cùng với đó, Thông tư 29 còn quy định mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng trong việc xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm; mức chi quản lý chương trình đề án công nghiệp hỗ trợ; mức chi chung hoạt động công nghiệp hỗ trợ; mức chi hoạt động công nghiệp hỗ trợ ở địa phương.