Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ ra thực trạng: “Đồng Nai không thiếu những thương hiệu trái cây, nông sản nổi tiếng, nhưng khi ra thị trường, chưa có nhiều nhãn hiệu của Đồng Nai. Tỉnh đã đầu tư rất nhiều chương, rất nhiều đề tài khoa học nhưng sản phẩm nông sản có nhãn hiệu còn rất ít so với tiềm năng”.
Tự làm nhãn hiệu
Theo báo cáo của Sở Khoa học - công nghệ, giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có 26 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; giai đoạn 2015-2017 có 55 đơn vị. Từ năm 2015, tất cả các huyện đều tham gia triển khai các dự án xây dựng thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp sạch. Vài năm trở lại đây các cá nhân, tập thể tham gia đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông sản đang tăng nhanh, nhưng việc phổ biến tầm quan trọng của đăng ký nhãn hàng hóa cho nông sản ra cộng đồng chưa cao.
Thống kê danh sách các đơn vị đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chiếm khoảng 1/3 danh sách. Các hợp tác xã, cơ sở, trang trại đăng ký nhãn hiệu tại các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có một thực trạng là hiện tại các địa phương không thiếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đầu tư làm bao bì, có nhãn mác đầy đủ, có nhãn hiệu được thị trường biết tiếng, nhưng chủ cơ sở vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu.
Những cơ sở tự làm nhãn hiệu mà không đăng ký không chỉ vi phạm về quy định nhãn hàng hóa sản phẩm mà còn có nguy cơ mất trắng công sức vì không được quyền sử dụng nhãn hàng của mình khi có cơ sở khác đi đăng ký nhãn hiệu này.
Nhận xét về sự lơ là trong đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Khi tham gia hội chợ nông sản tại Hong Kong, chúng tôi có đem sản phẩm tiêu của một hợp tác xã tiêu sạch tại huyện Cẩm Mỹ với mục đích trưng bày, quảng bá sản phẩm. Sản phẩm được hợp tác xã này đầu tư bao bì đẹp, qua kiểm tra sản phẩm đạt chất lượng rất tốt, nhưng không đủ điều kiện trưng bày vì sản phẩm không được đăng ký nhãn hàng, địa chỉ sản xuất. Đồng Nai nổi tiếng về nhiều nguồn nguyên liệu dồi dào, như: tiêu, cà phê, điều... nhưng hầu như chưa có nhiều các nhãn hiệu nổi tiếng”.
Bắt đầu chú ý
Ông Báu cho biết thêm, thời gian gần đây nhiều thương hiệu nông sản do doanh nghiệp đầu tư đã có chỗ đứng ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, như: ca cao Trọng Đức, trái cây sấy Thuận Hương... Về ngành chăn nuôi cũng có nhiều tên tuổi, như: Bình Minh, Anh Hoàng Thy, trứng gà Thanh Đức... Trong đó, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đầu tư quảng bá, phát triển thị trường chính là cơ sở để các đơn vị trên thành công trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Ý thức đăng ký nhãn hàng, xây dựng thương hiệu không chỉ được các doanh nghiệp quan tâm mà nhiều nông dân còn mạnh dạn đầu tư. Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), chia sẻ: “Dù trái mãng cầu không hạt và một số loại trái cây khác của trang trại vẫn tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng và kênh chợ truyền thống, nhưng ngay từ những ngày đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường, tôi đã quan tâm đầu tư đăng ký nhãn hiệu, làm logo cho sản phẩm. Đây chính là nền tảng ban đầu trong xây dựng uy tín về thương hiệu cho sản phẩm”.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu trong xây dựng thương hiệu nông sản, nhưng nông dân vẫn chưa mấy mặn mà tham gia. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, chỉ ra nguyên nhân của sự thiếu mặn mà này: “Đến nay, huyện đã có 8 nhãn hiệu hàng hóa nông sản được đăng ký và 9 hồ sơ khác chờ được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian đăng ký thủ tục cấp nhãn hiệu hàng hóa quá dài, khoảng 1,5 năm khiến người làm nản lòng”